A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cà Mau: Tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực

UBND tỉnh Cà Mau dự kiến chi 565 tỷ đồng để đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 từ nguồn ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và nhiều nguồn khác. Tỉnh cũng sử dụng nguồn thu từ học phí; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, liên doanh, liên kết, cho thuê tài sản công theo quy định; huy động của các tổ chức, cá nhân trong, ngoài nước và các nguồn thu, quỹ hợp pháp khác.

Kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp ở Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp ở địa phương trong giai đoạn mới.

UBND tỉnh Cà Mau định hướng việc đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp tạo nên sự đồng bộ, hài hòa giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập và ngoài công lập; từng bước bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo, cơ bản đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động. Tỉnh hướng tới đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó một số ngành, nghề tiếp cận trình độ cấp quốc gia và có năng lực cạnh tranh với các trường trong khu vực và cả nước. Trọng tâm tỉnh hướng tới là đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, vùng kinh tế trọng điểm. Cà Mau quyết tâm tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Thời gian qua, công tác giáo dục nghề nghiệp ở Cà Mau được triển khai đạt nhiều kết quả tích cực. Đơn cử như việc sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã góp phần tinh gọn tổ chức, giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, giảm số người làm việc, giảm chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước và đáp ứng một số yêu cầu đào tạo nhân lực cho sự phát triển của tỉnh. Hầu hết các cơ sở có đủ thiết bị tối thiểu phục vụ đào tạo nghề. Đội ngũ nhà giáo được bồi dưỡng, bố trí, sắp xếp theo yêu cầu đào tạo nghề của từng giai đoạn. Chương trình, giáo trình đào tạo đảm bảo quy định, cơ bản phù hợp với điều kiện thực tế. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, nhiều học viên sớm tìm được việc làm đúng với ngành nghề hoặc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất lao động, tự tạo việc làm tại chỗ...

Tuy nhiên, việc lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa được các cấp, ngành quan tâm đúng mức và chưa có quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án dài hạn để phát triển lĩnh vực này. Định hướng phát triển ngành nghề và đào tạo nghề chưa bám sát định hướng, mục tiêu, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; đầu tư chưa thỏa đáng. Quy mô giáo dục nghề nghiệp còn nhỏ, cơ cấu ngành nghề, trình độ chưa phù hợp; chất lượng, hiệu quả đào tạo mặc dù được cải thiện nhưng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành nghề mới. Nhiều trang thiết bị nghề đã hư hỏng, xuống cấp, một số thiết bị lạc hậu chậm được đầu tư mới.

Trong khi đó, hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin về giáo dục nghề nghiệp và thị trường lao động chưa thống nhất, đầy đủ, tính kết nối chưa cao. Việc thông tin, tuyên truyền để chuyển đổi nhận thức người dân về học nghề, giải quyết việc làm chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhu cầu học một số nghề mới của người lao động và thị trường lao động chưa được đáp ứng do thiếu giáo viên, thiết bị dạy học và có một số nghề trong danh mục nghề không còn phù hợp, nghề mới chưa được bổ sung./.

Kim Há


Tác giả: Quách Kim Há
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm