A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bí quyết đưa kinh tế đêm tại Việt Nam bừng sáng

Tại nhiều quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… kinh tế đêm không chỉ là một phần của nền kinh tế mà còn là động lực quan trọng để thúc đẩy du lịch và thương mại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, lĩnh vực này vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chủ yếu do thiếu sự thống nhất từ quan điểm, chủ trương đầu tư đến phương thức quản lý.

Xóa bỏ tư duy bảo thủ, thống nhất chiến lược quản lý

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, kinh tế đêm có thể đóng góp từ 20 - 30% vào GDP nếu được phát triển bài bản. Không chỉ mang lại nguồn thu lớn, kinh tế đêm còn tạo việc làm, gia tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời bổ sung những khoảng trống mà kinh tế ban ngày chưa thể đáp ứng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu nhiều áp lực từ cuộc chiến thương mại toàn cầu, Việt Nam vẫn ghi nhận những tín hiệu khả quan khi số lượng khách quốc tế đến trong tháng 3/2025 đạt hơn 2,05 triệu lượt người, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Tính chung cả quý I/2025, con số này cũng tăng xấp xỉ 30%. Sự tăng trưởng như vậy có đóng góp đáng kể từ các hoạt động kinh tế ban đêm, sau những nỗ lực của cả Chính phủ, địa phương và các “ông lớn” ngành du lịch.

Các loại hình kinh tế đêm đa dạng giúp thúc đẩy du lịc   h. Ảnh: Istock

Các loại hình kinh tế đêm đa dạng giúp thúc đẩy du lịc h. Ảnh: Istock

Dẫu có nhiều tiềm năng nhưng theo nghiên cứu của TS Phan Đình Quyết - Trường ĐH Thương mại, hoạt động kinh tế đêm ở Việt Nam còn chưa thoát khỏi sự manh mún, nhỏ lẻ. Nhận thức về lĩnh vực này vẫn chưa thống nhất, dẫn đến các quy định mang tính cấm đoán, gây khó khăn cho phát triển.

Quan niệm “khó quản lý thì cấm” đã trở thành rào cản lớn đối với các loại hình kinh doanh ban đêm. TS. Trần Thị Thu Hương (Học viện Ngân hàng) nhìn nhận rào cản không chỉ đến từ quy định có khi còn cứng nhắc, mà còn ở chỗ cơ chế chính sách thuế, phí không có sự phân biệt giữa hoạt động kinh tế ban đêm với kinh tế ban ngày.

Trong khi đó, từ 20 năm trước, vượt qua những quan ngại về tác động xã hội, chính quyền Singapore đã "bật đèn xanh" cho hoạt động kinh doanh sòng bạc trong các tổ hợp nghỉ dưỡng. Bloomberg nhận định, việc thay đổi nhận thức đã làm cho hoạt động du lịch ở đảo quốc sư tử kéo dài 24/24 giờ, qua đó lượng khách tăng nhanh đột biến. Từ lúc mở rộng mô hình này, doanh thu từ giải trí về đêm trở thành nguồn thu lớn nhất của du lịch Singapore, chiếm tới 24% doanh thu toàn ngành.

Là nền văn hóa có phần bảo thủ và có nguy cơ thiếu lao động, Nhật Bản vẫn quyết tâm phát triển nền kinh tế đêm để thúc đẩy du lịch, tăng thu nhập quốc gia, với những giải pháp như điều chỉnh luật để mở rộng không gian kinh tế đêm, tập trung giải quyết hạ tầng giao thông và các quy định liên quan đến lao động. Trung Quốc cũng mạnh tay hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp hoạt động ban đêm, giảm giá điện, nước và kéo dài giờ chạy tàu, giúp nền kinh tế đêm “bùng nổ”.

Phố đường tàu là điểm hút khách du lịch cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Istock

Phố đường tàu là điểm hút khách du lịch cả ngày lẫn đêm. Ảnh: Istock

Nhiều chuyên gia kinh tế, du lịch và thương mại đều đồng thuận rằng để kinh tế đêm phát triển bền vững, cần có một chủ trương nhất quán từ trung ương đến địa phương. PGS.TS Đào Thị Ái Thi (Trường Đại học Thành Đô) cho rằng việc phát triển kinh tế đêm cần được tiếp cận một cách toàn diện, tinh tế và có trách nhiệm đối với cộng đồng.

Còn TS Trần Thị Hồng Minh (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) và các cộng sự thì nhấn mạnh mô hình kinh tế đêm cần có sự tương tác chặt chẽ với các lĩnh vực mới như kinh tế số, kinh tế sáng tạo, nhằm tối ưu hóa tác động và tạo động lực cho tăng trưởng.

Cần cú hích mạnh mẽ để mở cửa kinh tế đêm

Kinh tế đêm không chỉ là một hoạt động kinh tế mà còn là đòn bẩy quan trọng cho ngành du lịch. Với sự nỗ lực của nhiều địa phương, các hoạt động kinh tế đêm như chợ đêm, phố đi bộ, biểu diễn nghệ thuật, trình diễn ánh sáng… đã thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa tiềm năng này, cần có sự đầu tư bài bản và chiến lược phát triển dài hạn, nhất quán.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là một sản phẩm kinh tế đêm đặc thù

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng là một sản phẩm kinh tế đêm đặc thù

Theo phân tích của các chuyên gia, những giải pháp đồng bộ, nhất quán để kinh tế đêm thực sự là đòn bẩy cho du lịch Việt Nam bao gồm: Hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách hỗ trợ: Quy hoạch không gian kinh tế đêm hợp lý cũng như đa dạng sản phẩm du lịch về đêm.

PGS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch Việt Nam cho rằng, một số loại hình dịch vụ được coi là “nhạy cảm” cần được xem xét trong bối cảnh thị trường, đồng thời tăng cường năng lực quản lý để giảm thiểu tác động tiêu cực đến văn hóa và cuộc sống người dân.

Để đảm bảo triển khai hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Việc phân quyền cho địa phương tự xây dựng chính sách kinh tế đêm sẽ giúp tăng tính chủ động và phù hợp với điều kiện thực tế.

Nghệ sỹ tập luyện cho Show Symphony of Green Island sắp khai màn ngày 23/5 tới tại đảo Cát Bà

Nghệ sỹ tập luyện cho Show Symphony of Green Island khai màn ngày 23/5 tại đảo Cát Bà

TS. Phan Đình Quyết đề xuất hệ thống giải pháp toàn diện, từ việc xây dựng khung pháp lý thống nhất, bao gồm quy định về loại hình kinh doanh, khu vực hoạt động, thời gian mở cửa; cấp phép hoạt động với tiêu chuẩn rõ ràng; đến các chính sách hỗ trợ về giao thông, an ninh, trật tự; ưu đãi về điện, nước, tín dụng cho doanh nghiệp kinh doanh ban đêm...

Để kinh tế đêm nhanh chóng trở nên “rực rỡ”, đáp ứng nhu cầu đang bùng dậy, không thể chỉ cứ phát triển dần dần. Theo quan sát của PGS Trần Đình Thiên, cần có đột phá và đột biến, đòi hỏi vốn đầu tư lớn, trình độ cao và khả năng kết nối cả ở phạm vi quốc tế. Hội tụ các điều kiện cần và đủ sẽ tạo ra bước ngoặt lớn. Đó là sự tham gia của những doanh nghiệp lớn, đủ mạnh để làm hạt nhân thúc đẩy cùng với sự ủng hộ nhiệt tình, có văn hóa của chính quyền và dân cư. Các cơ chế và chính sách phù hợp sẽ là chìa khóa để biến kinh tế đêm thành một động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trước đòi hỏi cần có những giải pháp thực tế để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

 

 
Link bài gốc Copy link
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm