A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bài 2: Nhanh chóng hiện đại hành chính; sớm đạt mục tiêu Chính phủ số

Cùng với "dòng chảy" chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số ở Việt Nam, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính.

Xu hướng tất yếu

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, cần có những bước triển khai nhanh chóng, quyết liệt nhằm tạo nền tảng cho môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực. Đây cũng là giải pháp để giải quyết điểm nghẽn trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy và tổ chức Đảng, quản lý, điều hành của Bộ và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Bài 2: Hiện đại hoá hành chính, hướng tới Chính phủ số
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực, nhất là công nghiệp và thương mại

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 33-NQ/BCSĐ ngày 27/1/2022 lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số của Bộ Công Thương giai đoạn 2022 - 2025 với mục tiêu tổng quát: "Đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, thực hiện chuyển đổi số, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và bảo đảm an toàn thông tin mạng".

Đồng thời, Nghị quyết đã đưa ra các mục tiêu cụ thể để phấn đấu đạt được đến năm 2025 như: Hình thành được cơ sở hạ tầng dữ liệu của ngành, trong đó có cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung được kết nối, tích hợp dữ liệu từ các hệ thống nghiệp vụ chuyên dùng nhằm cung cấp thông tin phục vụ quản lý, điều hành của Bộ

Hoàn thiện Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ Công Thương kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ theo quy định của Nghị định 09/2019/NĐ-CP ngày 24/01/2019 quy định về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước. Đảm bảo 100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) của các đơn vị được cập nhật, chia sẻ trên hệ thống.

Phát triển hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp Bộ (LGSP) kết nối với các hệ thống thông tin, cơ sử dữ liệu trong nội bộ bộ và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) theo Khung Kiến trúc để trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan bên ngoài.

Đặc biệt, hoàn thiện Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, đảm bảo 100% các thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ được xác thực điện tử.

100% dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực xuất nhấp khẩu được tích hợp lên Cơ chế một cửa quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 80% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Ngoài ra, xây dựng kế hoạch và triển khai công bố dữ liệu mở của Bộ; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu theo lộ trình yêu cầu tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; triển khai các giải pháp điều hành, giám sát an toàn, an ninh mạng, phòng chống mã độc tập trung, kết nối chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung nguồn lực để thực hiện gồm: Hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng kỹ thuật; phát triển các hệ thống nền tảng, ứng dụng và dữ liệu; bảo đảm an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực.

Quyết liệt hiện đại hóa hành chính

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã quyết liệt triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như góp phần hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp thông qua chương trình cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tại Bộ Công Thương.

Bài 2: Hiện đại hoá hành chính, hướng tới Chính phủ số
Ngành Công Thương đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Với quan điểm đổi mới, quyết liệt hành động, liên tiếp trong các năm vừa qua, Bộ Công Thương đã có nhiều đề xuất tham mưu cho Chính phủ cũng như có văn bản chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát để đơn giản, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trên thực tế, sau khi các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, thủ tục hành chính được đơn giản hoá đã tạo được môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng cho tất cả các thành phần kinh tế tại Việt Nam. Bộ Công Thương đã đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm đẩy mạnh áp dụng dịch vụ công trực tuyến tại Bộ và đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Bộ Công Thương luôn được đánh giá là một trong những Bộ đi đầu trong triển khai dịch vụ công trực tuyến. Bộ đã triển khai dịch vụ công trực tuyến từ năm 2008, trong đó, giai đoạn 2011 - 2020 là giai đoạn mà Bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến quyết liệt nhất từ trước đến nay.

Theo thống kê, đến thời điểm này, tất cả 295/295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó có 206 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 144, dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 62).

Tất cả các dịch vụ công trực tuyến này đang được triển khai tại Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương. Đến nay, đã có gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng Cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Điển hình như, năm 2019, Bộ Công Thương đã xử lý hơn 1.540.792 bộ hồ sơ điện tử qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (trong đó số lượng hồ sơ trực tuyến được gửi qua các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.314.217, hồ sơ được gửi qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 225.465), tương ứng 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ. Hay, tổng số hồ sơ dịch vụ công trực tuyến năm 2021 là 1.617.249 hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ.

Bộ Công Thương hiện đã kết nối 16 nhóm dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia (VNSW). Tổng số hồ sơ thực hiện trên VNSW trong năm 2021 là 282.564 hồ sơ. Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan), kết nối thành công với Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và đã trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử với 9 nước bao gồm: Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Bruinei, Campuchia, Lào, Myanmar, Philippine.

Trong năm 2021, tổng số hồ sơ điện tử đã trao đổi với các nước là 203.663 hồ sơ. Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề, đòn bẩy để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác với các nước, khối - cộng đồng kinh tế theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Với quan điểm và thực tiễn lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Bộ Công Thương chủ động lựa chọn những dịch vụ công thuộc thẩm quyền của Bộ có số lượng hồ sơ lớn, có tác động trực tiếp người dân, doanh nghiệp đưa lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ngay trong tháng 11/2019 (trước khi khai trương Cổng Dịch vụ công quốc gia), Cổng Dịch vụ công của Bộ Công Thương đã kết nối kỹ thuật thành công 2 nhóm dịch vụ công với Dịch vụ công quốc gia bao gồm: Cấp giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi, Đăng ký hoạt động khuyến mại. Đây là các nhóm thủ tục có số lượng hồ sơ trực tuyến lớn nhất thực hiện tại của Bộ Công Thương. Hiện có khoảng 30.000 doanh nghiệp khai báo dưới hình thức trực tuyến trong những năm vừa qua đối với các nhóm thủ tục này.

Đến cuối tháng 12/2019, Bộ Công Thương đã đưa tổng cộng 129 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Công Thương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đáng chú ý, đối với thủ tục Thông báo thực hiện khuyến mại, mặc dù đã được phân cấp về các địa phương, Bộ cũng đã phối hợp với VPCP làm đầu mối, triển khai thủ tục này trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chỉ khai báo một lần duy nhất cho tất cả các tỉnh trên toàn quốc, kết nối, liên thông dữ liệu điện tử đến các Hệ thống một cửa điện tử của các tỉnh (thay vì khai báo trên từng tỉnh như trước đây).

Bộ Công Thương cũng đã triển khai kết nối Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử của Bộ với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số để đánh giá, đo lường, công bố trực tuyến mức độ, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến; từ đó, cải tiến chất lượng và hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính cấp trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ.

Cùng với đó, các quy trình xử lý công việc tại đơn vị được chuẩn hoá theo hướng khoa học, hợp lý, đúng luật và theo mô hình cơ chế một cửa, hướng đến công khai và minh bạch hoá quy trình và thủ tục xử lý công việc cho tổ chức và công dân biết; giúp lãnh đạo đơn vị kiểm soát được quá trình giải quyết công việc trong nội bộ của đơn vị để có chỉ đạo kịp thời, góp phần tích cực vào công tác cải cách hành chính tại đơn vị và tại cơ quan Bộ.

Theo Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương, báo cáo chuyên đề về chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan thường trực của Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số cho biết, Bộ Công Thương là một trong 3 bộ có kết quả xử lý trực tuyến cao nhất với tỷ lệ 99,78%. Theo đánh giá tại báo cáo, Bộ Công Thương là một trong những bộ, ngành tiêu biểu về triển khai dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi cả nước, không chỉ bảo đảm cung cấp tối đa dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 mà còn triển khai các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ.

Việc thúc đẩy việc xây dựng, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp tại Bộ Công Thương đạt được những kết quả đáng ghi nhận là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Ban Cán sự đảng Bộ, của đồng chí Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ; sự đồng lòng nhất trí triển khai thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ của các cán bộ, công chức Bộ Công Thương.

Đồng thời, lựa chọn đúng các thủ tục hành chính có số lượng hồ sơ lớn để đưa vào xây dựng, áp dụng thành dịch vụ công trực tuyến, từ đó thấy được lợi ích cụ thể của việc xây dựng dịch vụ công trực tuyến, từ đó áp dụng trên diện rộng; xây dựng dịch vụ công trực tuyến đơn giản, dễ sử dụng với người dân, doanh nghiệp; xây dựng, ban hành những văn bản, quyết định cá biệt nhằm thúc đẩy việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến tại Bộ Công Thương.

Với kết quả đạt được Bộ Công Thương đã được Văn phòng Chính phủ ghi nhận là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước đối với việc kết nối Cổng Dịch vụ công quốc gia (cả về số lượng dịch vụ công trực tuyến và số lượng hồ sơ điện tử).
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm