A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam có điều kiện tốt để chuyển đổi ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo

Theo báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không (EOR-NZ), với tiềm năng to lớn về điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, Việt Nam có điều kiện tốt để chuyển đổi ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và tận dụng các nguồn tài nguyên quốc gia của mình.

Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) do Bộ Công Thương, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch vừa công bố. Theo báo cáo, với tiềm năng to lớn về điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, Việt Nam có điều kiện tốt để chuyển đổi ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và tận dụng các nguồn tài nguyên quốc gia của mình. Báo cáo cho thấy, Việt Nam có thể chuyển đổi xanh hiệu quả về chi phí và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 thông qua mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, điện hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, đồng thời giảm sự phụ thuộc của Việt Nam vào năng lượng nhập khẩu.

Theo phân tích của báo cáo, để phát thải đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050 thì cần phải có thêm 56 GW điện tái tạo (17 GW điện gió trên bờ và 39 GW điện mặt trời) vào năm 2030. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong quá trình chuyển đổi sẽ gây ra các chi phí tốn kém không cần thiết do những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Việt Nam có điều kiện tốt để chuyển đổi ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo

Việc tích hợp một lượng lớn các nguồn điện biến đổi vào lưới điện đòi hỏi các hành động kiên quyết. Báo cáo cũng cho thấy, trong thời gian tới, các nhà máy điện than của Việt Nam cần trở nên linh hoạt hơn để khi cần có thể giảm công suất của các nguồn điện than nhằm ưu tiên cho các nguồn điện xanh phát lên lưới, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn dự phòng cần thiết cho đến khi các giải pháp lưu trữ và những giải pháp khác có thể được triển khai.

Để thực hiện tham vọng xây dựng 84 GW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2050, Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ và hành động sớm. Đặc biệt, việc sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và có thể dự đoán được đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Theo đó, báo cáo khuyến nghị rằng Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải.

Chuyển đổi năng lượng xanh hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chuyển đổi xanh của Việt Nam. Vì vậy, báo cáo đã thu hút được sự quan tâm lớn từ các cơ quan hoạch định chính sách, chuyên gia, học giả và khu vực tư nhân của Việt Nam.

Lan Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm