Vì sao năng lượng tái tạo chậm phát triển?
Ngày 21/7, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Bộ Công thương về giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”.
Tuy nhiên, theo ông Khải, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương chậm trễ trong việc tham mưu văn bản quy phạm pháp luật. Việc chậm trễ này dẫn đến hệ thống hạ tầng năng lượng của nước ta khó khăn, thiếu cơ chế để thể chế hóa chủ trương của Đảng trong việc thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư cho hệ thống truyền tải điện, thiếu cơ sở vật chất về năng lượng. Từ đó, hệ thống lưới truyền tải điện của quốc gia bị thiếu, chậm được đầu tư và hệ thống truyền tải điện... cản trở sự phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
“Đề nghị Bộ Công thương cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ này. Trách nhiệm của Bộ Công thương đến đâu, thuộc cá nhân, tổ chức nào? Đến bao giờ có quy định cụ thể để triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, cơ chế thu hút vốn ngoài Nhà nước và xã hội hóa tối đa đầu tư cơ sở vật chất liên quan đến hạ tầng năng lượng” - ông Khải nêu vấn đề và đề nghị Bộ Công thương cho biết nguyên nhân chủ quan của sự chậm trễ, thiếu, không ổn định của chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tái tạo trong thời gian qua, trách nhiệm của Bộ và bao giờ giải quyết được điểm nghẽn này?.
Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đề nghị, Bộ Công thương làm rõ việc cần thiết ban hành Luật Năng lượng tái tạo, từ đó làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển nhanh tiềm năng, lợi thế của điện mặt trời, điện gió ở nước ta. Theo ông Vân, cần sớm bắt tay ngay vào việc tạo cơ sở pháp lý cho việc hình thành chiến lược phát triển theo định hướng quy hoạch điện VIII đã thông qua.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Bộ Công thương đánh giá rõ tác động các công trình thủy điện đến đời sống của người dân, mục tiêu đã giải quyết được gì?
Ông Hải cũng đề nghị báo cáo của Bộ Công thương cần đi vào các giải pháp cụ thể, tránh chung chung, phải đặt ra mốc thời gian, mục tiêu cụ thể để giải quyết các vấn đề bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực năng lượng, xác định rõ trách nhiệm của Bộ, quan tâm về cơ chế điều hành xăng dầu. Bên cạnh đó, cần tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát để sớm hoàn chỉnh báo cáo. Trong đó nêu rõ, cụ thể hơn về bất cập, hạn chế chính sách, cần tập trung hơn về giá điện, thị trường điện, tính bền vững, ổn định an ninh năng lượng trước mắt và lâu dài, các vấn đề về chiến lược, về quy hoạch điện VIII, bổ sung các chỉ tiêu, hiệu quả sử dụng năng lượng, chỉ rõ trách nhiệm của bộ trong từng vấn đề.