A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (7/3-13/3)

Equinor tuyên bố ngừng mua dầu của Nga; Shell dừng mọi hoạt động với Nga; Engie cảnh báo về một cú sốc giá năng lượng chưa từng có; Saudi Aramco tăng giá bán đối với tất cả các loại dầu thô… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.

Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (7/3-13/3)

Ngày 11/3, BP Eni ra thông cáo báo chí cho biết, BP và Eni đã ký một thỏa thuận thành lập một công ty độc lập 50/50 mới có tên Azule Energy, trên cơ sở kết hợp hai công ty ở Angola. Thỏa thuận này tiếp theo Biên bản ghi nhớ giữa các công ty được thống nhất vào tháng 5/2021. Azule Energy sẽ là một công ty năng lượng quốc tế mới, được quản lý độc lập, với sản lượng hơn 200.000 thùng tương đương mỗi ngày (boe/d) và 2 tỷ thùng trữ lượng. Azule Energy được kỳ vọng là nhà sản xuất lớn nhất của Angola, nắm giữ 16 giấy phép, cũng như tham gia vào liên doanh LNG Angola. Azule Energy cũng sẽ tiếp quản cổ phần của Eni trong Solenova, một công ty năng lượng mặt trời được hợp tác với Sonangol.

Mặc dù chính Shell thông báo về ý định rút khỏi các hoạt động dầu khí ở Nga và ngừng mua dầu Nga từ 8/3/2022, tờ Teknoblog tiếng Nga ngày 11/3 đưa tin Shell vẫn tiếp tục hoạt động tại Nga. Sergey Starodubtsev, Tổng giám đốc Shell Oil tại Nga nói công ty có kế hoạch cung cấp tài chính và sản xuất dầu nhờn, vận hành mạng lưới các trạm chiết rót. Ngoài ra, Giám đốc điều hành của Shell Oil nhấn mạnh rằng nhân viên sẽ tiếp tục được trả lương. Trước đó, Shell đã thông báo rút khỏi tất cả các dự án chung với Liên bang Nga. Đặc biệt, tập đoàn đã từ chối tham gia vào dự án Nord Stream 2. “Vào cuối năm 2021, tài sản cố định của Shell tại các doanh nghiệp này ở Nga là khoảng 3 tỷ USD. Chúng tôi cho rằng quyết định bắt đầu quá trình rút khỏi các liên doanh với Gazprom và các đơn vị liên quan sẽ ảnh hưởng đến giá trị sổ sách tài sản của Shell tại Nga và dẫn đến suy giảm", Teknoblog dẫn thông cáo báo chí của Shell cho biết. Ngoài ra, Shell đã rút khỏi các liên doanh với Gazprom, bao gồm 27,5% cổ phần của dự án Sakhalin-2 LNG, 50% cổ phần của Salym Petroleum Development và Gydan Energy JV với Gazprom Neft.

Không lâu trước Shell, BP đã quyết định từ bỏ các tài sản của Nga. British Petroleum đã quyết định bán cổ phần của mình tại Rosneft vì “hoạt động đặc biệt” của Nga ở Ukraine - tờ Teknoblog viết. Giám đốc điều hành của BP, Bernard Looney, đã ngay lập tức rời khỏi Ban giám đốc của Rosneft. Một giám đốc khác của Rosneft do BP đề cử, cựu Giám đốc điều hành Bob Dudley, cũng sẽ từ chức hội đồng quản trị. Theo giới truyền thông, quyết định của BP rút khỏi Nga được đưa ra dưới áp lực chính trị. Quyết định này được đưa ra sau khi ông Looney đã được triệu tập tới văn phòng của Bộ trưởng Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh Quasi Kwarteng để thảo luận về hoạt động của BP tại Nga. Rosneft bình luận: “Quyết định như vậy của cổ đông thiểu số lớn nhất của Rosneft đã phá hủy mối quan hệ hợp tác thành công kéo dài 30 năm giữa hai công ty nhằm đảm bảo lợi ích của các cổ đông, phát triển ngành công nghiệp, giữ gìn môi trường và giảm phát thải khí nhà kính”.

Reuters ngày 12/3/2022 đưa phát biểu hôm Thứ Sáu (11/3) của Chủ tịch Phòng Thương mại Dầu mỏ Venezuela Reinaldo Quintero cho biết sản lượng dầu của Venezuela có thể tăng ít nhất 400.000 thùng mỗi ngày (bpd) nếu Mỹ cho phép các đối tác của Công ty Dầu khí Venezuela (PDVSA) giao dịch dầu thô của Venezuela. Mức tăng sẽ cho phép sản lượng dầu của thành viên OPEC này đạt khoảng 1,2 triệu thùng/ngày. Theo số liệu chính thức, sản lượng dầu của Venezuela trong tháng 1/2022 trung bình là 755.000 thùng/ngày. Vào cuối tuần trước, các quan chức Mỹ đã gặp Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và yêu cầu nước này cung cấp ít nhất một phần dầu xuất khẩu sang Mỹ, coi đó như một phần của bất cứ thỏa thuận nào nhằm giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh doanh dầu được áp đặt lên Venezuela kể từ năm 2019. Động thái này trước hết có thể mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ như Chevron Corp, là công ty đã thúc đẩy việc cấp phép và sửa đổi giấy phép để kinh doanh hoặc hoán đổi dầu của Venezuela. Năm 2021, Venezuela đã ngăn chặn đà suy giảm khai thác dầu và xuất khẩu dầu của Venezuela đã đạt 636.000 thùng/ngày, tăng 12% so với năm trước.

Công ty dầu mỏ Brazil Petrobras đã công bố giá xăng và dầu diesel tăng mạnh vào thứ Sáu tuần trước do cuộc chiến ở Ukraine, bất chấp những lời chỉ trích từ Tổng thống Jair Bolsonaro về việc tăng giá này. Petrobras đã tăng giá xăng từ các nhà máy lọc dầu của mình lên 18,8% và dầu diesel lên 24,9% vào thứ Sáu, do "giá dầu và các chất dẫn xuất tăng vọt do chiến tranh giữa Nga và Ukraine". Công ty quốc doanh này cho biết các công ty dầu khác cũng đã tăng giá tương tự trong khi bản thân họ đã không tăng giá trong gần hai tháng nay. Điều này sẽ không giúp ích gì cho công việc của Tổng thống Bolsonaro, người đang cố gắng kiềm chế giá nhiên liệu tăng cao, bảy tháng trước cuộc bầu cử tổng thống mà ông dự định tái tranh cử. Lạm phát, ở mức 10,78% hàng năm, là một điểm đen trong bảng cân đối kinh tế của chính phủ Bolsonaro trước cuộc bầu cử tháng 10/2022.

Tiếp theo quyết định của Shell ngừng mọi hoạt động trong lĩnh vực dầu khí ở Nga ngay trước khi Chính phủ Hoa Kỳ và Anh chính thức cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga, ngày 10/3, công ty dầu khí nhà nước Equinor của Na Uy cũng tuyên bố ngừng kinh doanh dầu của Nga. Như vậy, cho đến nay Equinor tham gia cùng các tập đoàn dầu khí bao gồm Shell, BP và TotalEnergies ngừng mua dầu từ Nga, Exxon Mobil dừng hoạt động tại Nga. Theo Reuters đưa tin, Giám đốc điều hành Anders Opedal của Equinor đã nói rằng Equinor sẽ rời khỏi liên doanh với Nga và đã ngừng giao dịch dầu của Nga.

Thông báo của Equinor ghi rõ: Nga là nước sản xuất dầu khí lớn và có tiềm năng tài nguyên to lớn. Chúng tôi đã có mặt tại Nga hơn 30 năm và đã phát triển mối quan hệ thân thiết với các công ty và cộng đồng năng lượng của Nga. Ngày 28/2/2022, Hội đồng quản trị của Equinor đã quyết định ngừng các khoản đầu tư mới vào Nga và để bắt đầu quá trình thoái vốn của Equinor tại các liên doanh ở Nga. Được biết, khoản đầu tư của Equinor ở Nga khoảng 1,2 tỷ đô la. Để bù đắp thiệu hụt khí đốt cho châu Âu, Equinor, nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất Tây Âu, đang khai thác dầu và khí đốt hết công suất và sẽ hoãn một số kế hoạch bảo dưỡng tại các mỏ ở Biển Bắc trong những tháng tới để bổ sung kho khí đốt đang cạn kiệt của châu Âu.

Tổng giám đốc Engie Catherine MacGregor tuần trước cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn với tuần san Les Echos của Pháp: “Vấn đề thực sự sẽ là việc lấp đầy kho lưu trữ vào mùa xuân và mùa hè sang năm, nhằm chuẩn bị cho mùa đông 2022-2023. Sẽ rất khó để tìm được khối lượng cần thiết và sẽ rất khó trong trường hợp xung đột ở Ukraine kéo dài". Bà MacGregor phân tích: “Trên thực tế, khi đó chúng ta sẽ bước vào một thế giới mới về năng lượng, dưới tác động của một cú sốc giá chưa từng có, chắc chắn sẽ biến đổi toàn cảnh năng lượng trong dài hạn”.

Lo ngại về sự gián đoạn xuất khẩu từ Nga, quốc gia cung cấp 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu, đã khiến giá LNG tại châu Âu tăng vọt lên mức cao nhất mọi thời đại vào thứ Sáu tuần trước. Khí đốt của Nga chiếm 20% nguồn cung của Engie. Tập đoàn này đang đàm phán khối lượng bổ sung với Na Uy, Hà Lan, Algeria và Hoa Kỳ "nhưng chúng ta phải sáng suốt. Các đòn bẩy mà chúng ta đang nắm giữ có phạm vi hạn chế. Chúng sẽ không đủ để thay thế tất cả khí đốt từ Nga hiện nay", bà McGregor nhấn mạnh.

Saudi Aramco tăng giá bán (OSP) tháng 4 đối với tất cả các loại dầu thô, tất cả các thị trường, mạnh nhất kể từ năm 2000 ở mức +2,7 USD/thùng cho loại Arab Super Light xuất sang châu Á, loại dầu xuất khẩu chủ đạo Arab Light tăng 2,15 USD/thùng. Châu Á chiếm 60% xuất khẩu Aramco. Giá đối với thị trường Tây-Bắc Âu và Địa Trung Hải tăng 1,7-2,0 USD/thùng, thị trường Mỹ tăng 1 USD/thùng.

Nh.Thạch

AFP


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm