A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh: Hướng đi chiến lược cho phát triển năng lượng

Với tầm nhìn dài hạn, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh mở ra hướng đi chiến lược, định hình hệ sinh thái năng lượng tái tạo và công nghệ cao tại Việt Nam.

Quyết sách chiến lược

Bước vào năm 2025, khi nền kinh tế đang cần một cú hích mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên, Quyết định 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được xem là mạch chiến lược không thể thiếu. Bản quy hoạch không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật, mà còn mang tầm tư duy dài hạn cho sự phát triển năng lượng quốc gia, đặt “mạch máu” điện lực vào đúng vị thế trung tâm trong hệ sinh thái phát triển kinh tế - xã hội.

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh được xây dựng với nguyên tắc: cân đối vùng miền, nâng cao tính khả thi và an toàn hệ thống, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững. Ảnh minh họa

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh thể hiện rõ nét tư duy đặt điện lực đi trước một bước, như tiền đề cho mọi sự phát triển. Bản quy hoạch lần này không đơn thuần là bản vẽ sơ đồ các nhà máy điện và trạm truyền tải, mà là sự kết tinh của tư duy chiến lược, gắn kết giữa phát triển điện với phát triển đất nước. Năm quan điểm phát triển được nêu trong Quyết định 768/QĐ-TTg đã xác lập rõ vai trò sống còn của điện lực trong mối tương quan giữa phát triển hạ tầng, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Tầm nhìn đến năm 2050 cho thấy sự kế thừa nhưng đồng thời đổi mới. Điện không còn là ngành “cung ứng điện năng đơn thuần” mà trở thành ngành dẫn dắt chuyển đổi xanh, cầu nối để Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị năng lượng toàn cầu. Mỗi dòng điện truyền tải không chỉ là năng lượng vật lý, mà là năng lượng đổi mới, năng lượng cạnh tranh và năng lượng của khát vọng thịnh vượng.

Một trong những điểm nhấn của bản điều chỉnh là nguyên tắc tối ưu tổng thể: không còn tách rời giữa nguồn điện và lưới truyền tải, giữa đầu tư công và đầu tư tư nhân, giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường. Đó là bước chuyển mình từ tư duy “đầu tư từng mảnh” sang tư duy “thiết kế hệ sinh thái”, nơi mỗi MW điện được tính toán kỹ càng để phù hợp với cơ cấu phụ tải, khả năng tiêu thụ, chi phí xã hội và tác động môi trường.

Lần đầu tiên, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đưa ra hướng tiếp cận đồng bộ: từ phát triển nhà máy điện, trạm biến áp, đến lưới điện thông minh, lưu trữ năng lượng, tiết kiệm điện và điện khí hóa các ngành công nghiệp. Chính phủ đã nhận diện rõ vai trò của tiết kiệm năng lượng và hiệu quả sử dụng điện như một “nguồn điện vô hình” nhưng vô cùng giá trị. Mỗi kWh tiết kiệm là một kWh được sản sinh ra từ nhận thức và chuyển đổi hành vi, góp phần giảm chi phí hệ thống và bảo vệ tài nguyên quốc gia.

Bệ phóng cho năng lượng tái tạo

Bên cạnh đó, một điểm nhấn nổi bật trong bản điều chỉnh là sự dịch chuyển có chủ đích sang các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Nếu như bản Quy hoạch điện VIII năm 2023 đã mở đường cho điện mặt trời và điện gió phát triển mạnh mẽ, thì lần điều chỉnh này tiếp tục nâng tầm bằng cách quy hoạch lại các vùng tiềm năng gió ngoài khơi, ưu tiên điện mặt trời mái nhà, đồng thời từng bước tiếp cận hydrogen và các giải pháp lưu trữ năng lượng lớn.

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh
Theo Quy hoạch điều chỉnh, đến năm 2030 tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước dự kiến đạt 183.291 - 236.363 MW, tăng khoảng 30 - 50% so với mức 150.489 MW của bản quy hoạch cũ. Ảnh minh họa

Nhưng điều quan trọng không kém là việc Nhà nước xác định rõ vai trò chủ đạo trong dẫn dắt thị trường, đồng thời tạo sân chơi cạnh tranh công bằng để khu vực tư nhân cùng tham gia phát triển nguồn điện sạch.

Chuyển dịch năng lượng công bằng từ một khẩu hiệu toàn cầu nay đã được “điện hóa” vào bản quy hoạch quốc gia. Điều đó có nghĩa, mọi quyết sách về điện không chỉ nhằm phục vụ tăng trưởng GDP mà còn phải tính đến yếu tố công lý năng lượng, tức là đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình này từ người dân vùng sâu, vùng xa đến công nhân nhà máy, từ doanh nghiệp nhỏ đến các “ông lớn” công nghiệp.

Việc xây dựng lưới điện thông minh, phát triển microgrid ở các vùng chưa có điện, hay quy định giá điện hợp lý để khuyến khích đầu tư nhưng vẫn bảo vệ nhóm yếu thế, tất cả những điều đó thể hiện tinh thần “chuyển dịch công bằng” không chỉ dừng ở khái niệm, mà đã đi vào thiết kế chính sách.

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang cạnh tranh về năng lượng, việc ban hành kịp thời Quy hoạch điện VIII điều chỉnh là quyết sách có tính thời điểm và thời đại. Đây không chỉ là động thái kỹ thuật để phù hợp với thực tế thay đổi về nguồn lực và công nghệ, mà còn là thông điệp chính sách mạnh mẽ Việt Nam không bị động trong chuyển đổi năng lượng, mà đang chủ động dẫn dắt để biến thách thức thành cơ hội.

Với quy mô tiêu thụ điện dự báo tăng nhanh trong giai đoạn 2025-2030, việc có quy hoạch điện mang tính linh hoạt là điều kiện tiên quyết để các nhà đầu tư yên tâm, để các địa phương chủ động quy hoạch đất đai và hạ tầng và để các ngành sản xuất được tiếp cận điện năng ổn định, giá cả hợp lý. Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia cho rằng, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh không chỉ là bản quy hoạch của ngành điện, mà là bản lộ trình phục hồi và tăng trưởng bền vững của cả nền kinh tế.

Quy hoạch điện VIII được phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023, đã đặt nền móng cho phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, thực tiễn đã phát sinh nhiều yếu tố mới như biến động giá nhiên liệu, tiến bộ công nghệ, cam kết giảm phát thải khí nhà kính tại COP26 và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đòi hỏi phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp thực tiễn mới.

Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai các hoạt động rà soát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng hệ thống điện lực quốc gia và quy hoạch điện lực ở từng địa phương; đồng thời cập nhật các xu hướng phát triển năng lượng tiên tiến trên thế giới, phù hợp với tình hình thực tế đang diễn ra.

 

 

 

 

 

 

 

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm