A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Petrovietnam khẩn trương phối hợp hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đảm bảo cung ứng điện

Đó là chỉ đạo của Thường trực Chính phủ đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án quan trọng nhằm đảm bảo việc cung ứng điện, bảo đảm an ninh năng lượng giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Đánh giá chung cho thấy, trong 9 tháng năm 2024 vừa qua, tăng trưởng kinh tế của nước ta tính chung đã đạt mức 6,82% (riêng Quý III/2024 đạt 7,4% so với cùng kỳ), dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao trong các tháng cuối năm dự kiến có thể tăng từ 11-13%, cao hơn mức 9% kế hoạch dự báo. Trong bối cảnh các nguồn điện không có nhiều thay đổi nhưng rút kinh nghiệm năm 2023, công tác chuẩn bị được thực hiện từ sớm, từ xa, công tác điều hành đã tốt hơn, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống nhân dân, không để xảy ra thiếu điện.

Thủ tướng Chính phủ đã biểu dương tinh thần trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào kết quả trên.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng điện khoảng 12-15% mỗi năm, Thường trực Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty liên quan xây dựng các kịch bản về nguồn điện, truyền tải điện, phân phối điện, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và giá điện phù hợp, với mục tiêu nhất định không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào cho cả giai đoạn từ nay đến 2030, vừa đảm bảo cho tăng trưởng, vừa thực hiện chuyển đổi xanh, trong đó giá điện phải phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và mức chi trả của người dân.

Petrovietnam khẩn trương phối hợp hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi), đảm bảo cung ứng điện
Dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4

Riêng đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Thường trực Chính phủ chỉ đạo tập trung triển khai chuỗi dự án khí điện, đẩy nhanh việc khai thác khí mỏ Lô B, kịp thời cung cấp khí cho các nhà máy điện, bảo đảm kế hoạch đề ra.

Về các giải pháp triển khai thời gian tới, Thường trực Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương với vai trò Tổ trưởng Tổ công tác rà soát các vướng mắc pháp lý trong triển khai dự án điện, tiếp tục chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) giải quyết những vấn đề vướng mắc như cam kết về sản lượng (Qc), chuyển ngang giá khí, theo hướng luật chỉ quy định những vấn đề lớn có nhiều vướng mắc, còn những vấn đề cụ thể, nhiều biến động, cần giao Chính phủ quy định như giá điện, tiêu chuẩn kỹ thuật...

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, việc sửa luật cần cập nhật đầy đủ các nội dung vướng mắc hiện nay, với tinh thần mở ra không gian để phát triển nhưng phải quản lý được, thực hiện phân cấp, phân quyền triệt để, xoá cơ chế quan liêu, bao cấp, cơ chế “xin cho”, cắt giảm thủ tục hành chính, giấy phép “con” để giảm chi phí tuân thủ; bổ sung các nội hàm về phát triển điện gió, điện hạt nhân, trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình một kỳ họp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm