Hợp tác phát triển năng lượng, mỏ giữa Việt Nam và Lào
Mới đây, Hội nghị hợp tác phát triển ngành công thương - năng lượng và mỏ Việt Nam - Lào năm 2022 đã diễn ra tại Quảng Ninh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đây là hội nghị đầu tiên được tổ chức sau khi có dịch bệnh Covid-19. Hội nghị diễn ra trong năm 2022 - Năm Đoàn kết - Hữu nghị, kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Kết quả hội nghị là đóng góp quan trọng vào thành công của kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam - Lào tổ chức vào cuối tháng 12/2022.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên Chính đề nghị, các đại biểu dự hội nghị cần rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Hội nghị hợp tác phát triển ngành công thương - năng lượng và mỏ Việt Nam - Lào năm 2019 đưa ra các đánh giá thực chất cũng như thống nhất các định hướng hợp tác. Xem xét đề ra phương án sửa đổi bổ sung hiệp định thương mại và hiệp định thương mại biên giới giữa hai nước, đa dạng hóa các loại hình thương mại, thúc đẩy xúc tiến thương mại và đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bền vững; trao đổi và bàn các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực mỏ và năng lượng.
Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith và Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Daovong Phonekeo sau khi điểm lại quá trình hợp tác giữa các Bộ Công Thương – Năng lượng và Mỏ đều thống nhất đánh giá quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước còn nhiều dư địa phát triển. Sự hợp tác giữa 3 Bộ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế mỗi nước, cũng như thúc đẩy quan hệ song phương đặc biệt giữa Lào và Việt Nam.
Sau lễ khai mạc, các đại biểu đã dự Hội nghị hợp tác phát triển ngành công thương Việt Nam - Lào năm 2022 và Hội nghị hợp tác phát triển ngành năng lượng và mỏ Việt Nam - Lào năm 2022.
Các đại biểu tham dự Hội nghị hợp tác phát triển ngành công thương - năng lượng và mỏ Việt Nam - Lào năm 2022
Dù Lào là một nước có tiềm năng lớn về nguồn năng lượng tái tạo nhưng cho đến nay, tỷ trọng điện tái tạo trong tổng lượng điện sản xuất là không đáng kể. Thách thức lớn nhất mà Lào phải đối mặt khi phát triển năng lượng tái tạo đó là chi phí đầu tư cao và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư, khó khăn trong phân phối, điều độ hệ thống điện khi tỷ trọng nguồn điện từ năng lượng tái tạo tăng. Vì vậy, biên bản ghi nhớ MOU hai nước đã thống nhất hợp tác phát triển dự án điện và hai bên đã thống nhất kế hoạch hợp tác trao đổi mua bán điện theo hiệp định năm 2019 về hợp tác phát triển năng lượng và mỏ giữa hai chính phủ, với mục tiêu đến năm 2020 là 1.000 MW, năm 2021 - 2025 là 3.000 MW và đến năm 2030 phải đạt 5.000 MW. Tuy nhiên đến nay, các dự án phát triển điện và trao đổi điện thương mại hai nước vẫn gặp những khó khăn vướng mắc do chưa đồng bộ hạ tầng điện hai nước.
Tại hội nghị lần này, lãnh đạo 3 Bộ hai nước đề nghị cơ quan chuyên môn cùng bàn thảo, thống nhất để tháo gỡ khó khăn này. Qua thảo luận, trao đổi, hai bên cho rằng, muốn tháo gỡ được khó khăn hiện tại cần thực hiện sao cho việc đầu tư nguồn điện phía Lào đồng bộ với việc đầu tư lưới điện của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả đầu tư cho cả hai phía. Sau năm 2025, cần một cơ chế giá điện phù hợp và phương pháp tính toán giá điện cũng như hợp đồng mua bán điện mẫu để kịp thời thúc đẩy việc đầu tư các nhà máy điện bán điện về Việt Nam.
Đình Tú (t/h)