Dầu giảm 1% do lo ngại lãi suất Mỹ tăng
Giá dầu giảm vào ngày thứ Hai (10/07) do khả năng Mỹ sẽ nâng lãi suất nhiều hơn, tuy nhiên, động thái cắt giảm nguồn cung dầu thô từ các quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu Ả-rập Xê-út và Nga đã kìm hãm đà giảm của giá dầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent lùi 78 xu (tương đương 1%) xuống 77.69 USD/thùng, sau khi chạm mức cao nhất trong hơn 2 tháng vào đầu phiên.
Hợp đồng dầu WTI mất 87 xu (tương đương 1.2%) còn 72.99 USD/thùng.
Dennis Kissler, Phó Chủ tịch cấp cao tại BOK Financial, nhận định: “Nhà đầu tư rất lo lắng về lãi suất cao hơn, điều này có thể giết chết nhu cầu rất nhanh”. Ông Kissler cũng nói thêm rằng một số nhà đầu tư cũng đang tham gia chốt lời sau đà tăng hồi tuần trước.
Cả 2 hợp đồng dầu đều vọt hơn 4.5% trong tuần trước sau khi Ả-rập Xê-út và Nga thông báo cắt giảm thêm sản lượng, nâng tổng mức cắt giảm của nhóm OPEC+ lên khoảng 5 triệu thùng/ngày, tương đương 5% nhu cầu dầu toàn cầu.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khu vực San Francisco, Mary Daly, vào ngày thứ Hai đã nhắc lại bà tin rằng có thể sẽ cần thêm 2 đợt nâng lãi suất nữa trong năm nay để làm giảm lạm phát vẫn còn quá cao, trong khi Chủ tịch Fed khu vực Cleveland, Loretta Mester, cũng phát đi tín hiệu nâng lãi suất.
Lãi suất cao hơn có thể làm trì trệ tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu.
Bộ Lao động Mỹ đã báo cáo hồi thứ Sáu tuần trước (07/07) mức tăng việc làm hàng tháng thấp nhất trong 2 năm rưỡi cùng với tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ. Dữ liệu củng cố khả năng Fed sẽ nâng lãi suất tại cuộc họp diễn ra vào cuối tháng này.
Trong khi đó, giá tại nhà máy của Trung Quốc đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm vào tháng 6, theo dữ liệu của Chính phủ, cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang chậm lại.
Tuy nhiên, nhu cầu dầu từ Trung Quốc và các quốc gia đang phát triển, kết hợp với động thái cắt giảm nguồn cung của OPEC+, có thể sẽ khiến thị trường khan hiếm trong nửa cuối năm nay bất chấp nền kinh tế toàn cầu trì trệ, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết.