A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần hoàn thiện pháp luật để phát triển điện gió ngoài khơi

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, Luật Điện lực (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương xây dựng cần thiết có thể nghiên cứu các quy định đặc thù đối với điện gió ngoài khơi (ĐGNK) và hoàn thiện pháp luật để phát triển nguồn năng lượng này.

Bộ KH&ĐT vừa có góp ý về giải pháp phát triển ĐGNK gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương đề cập đến việc cần hoàn thiện pháp luật để phát triển ĐGNK. Bộ KH&ĐT cho biết, khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư có quy định: “Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó”. Hiện nay, Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) nên có thể nghiên cứu các quy định đặc thù đối với ĐGNK nếu cần thiết.

Cần hoàn thiện pháp luật để phát triển điện gió ngoài khơi
Điện gió ngoài khơi nếu không sớm hoàn thiện các cơ sở pháp lý, quy định liên quan, khả năng đạt mục tiêu đề ra là rất khó khăn.

Theo đó, Bộ KH&ĐT cho rằng, trong quá trình xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) và nghị định hướng dẫn đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu hoàn thiện một số nội dung. Cụ thể, bổ sung quy định tại Luật Đầu tư về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với ĐGNK như ý kiến của Bộ tại văn bản trước đó về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi). Đồng thời, xác định điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực ĐGNK...

Đề cập về quy định của pháp luật về đấu thầu với ĐGNK, Bộ KH&ĐT cho biết, theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 2 Luật Đấu thầu và khoản 4 Điều 1 Nghị định số 23/2024/NĐ-CP ngày 27/2/2024 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực thì ĐGNK không thuộc phạm vi điều chỉnh được nêu cụ thể tại các văn bản quy pháp luật này.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng đề trình Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2024/NĐ-CP, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với Bộ Công Thương nhưng Bộ Công Thương chưa xác định các dự án điện thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT cũng đề nghị lưu ý đến quy định khoản 7 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp có hai nhà đầu tư trở lên cùng nộp hồ sơ hợp lệ đề nghị thực hiện dự án đầu tư tại một địa điểm để thực hiện.

Hiện nay, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự quan tâm từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước. Tính đến nay, đã có gần 400 ý kiến góp ý với dự thảo Luật Điện lực. Theo đó, 6 nội dung lớn đã được Ban soạn thảo thống nhất và tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới, một trong các vấn đề trọng tâm được Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đang được Bộ Công Thương lấy ý kiến rộng rãi là đẩy mạnh khai thác và sử dụng nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo để phát điện. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất chính sách ưu đãi, đánh giá tiềm năng để đầu tư trọng điểm. Đây là nội dung được bổ sung mới nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Chính phủ về phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới.

Về phát triển ĐGNK, dự thảo Luật quy định dự án ĐGNK bao gồm các công trình chính như sau: Công trình nhà máy điện; Công trình lưới điện. Trong đó, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ĐGNK thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư và khoản 2 Điều 92 Luật này.

Cụ thể, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 như sau: Bổ sung khoản 2 Điều 29 như sau: “Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này được thực hiện sau khi chấp thuận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp dự án đầu tư không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 77 và các dự án đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Kế hoạch đầu tư phát triển và kế hoạch sản xuất, kinh doanh 05 năm của doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, trừ các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội”.

Bổ sung khoản 5 và khoản 6 Điều 31 như sau: “Dự án ĐGNK thuộc khu vực biển trong các trường hợp sau đây: Chưa xác định thuộc địa giới hành chính của một tỉnh cụ thể; Thuộc thẩm quyền giao khu vực biển của Thủ tướng Chính phủ; Thuộc địa giới hành chính của 02 tỉnh trở lên; Dự án cáp điện ngầm trên biển trừ trường hợp các dự án đầu tư thuộc khoản 1 Điều 56 của Luật này”. Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 32 như sau: “Dự án ĐGNK có đề nghị Nhà nước giao hoặc cho thuê khu vực biển ngoài đối tượng được quy định tại khoản 5 Điều 31 Luật này”.

Theo Quy hoạch điện VIII, cả nước sẽ có 6.000 MW ĐGNK cuối năm 2030. Với xuất phát điểm hiện nay từ con số 0, trong khi đó phát triển một dự án ĐGNK mất từ 7-10 năm, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, nếu không sớm hoàn thiện các cơ sở pháp lý, quy định liên quan, khả năng đạt mục tiêu đề ra là rất khó khăn.

Minh Châu

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm