Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt
Bộ Công Thương vừa công bố thông tin trả lời về một số vấn đề nóng trong Luật Điện lực (sửa đổi) như quy hoạch, dự án điện, giá điện, cơ chế đặc thù phát triển điện lực miền núi, hải đảo...
Hiện nay, các doanh nghiệp, người dân quan tâm và đặt kỳ vọng rất lớn đối với Luật Điện lực (sửa đổi) là về giá điện, cách thức mua bán điện thực tế trong những năm tới. Các vấn đề này đã cơ bản được đề cập trong Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).
Chính sách giá điện của Việt Nam là nhất quán
Trước tiên, cần phải khẳng định chính sách giá điện tại Dự thảo Luật Điện lực (sủa đổi) là sự thể chế hóa đường lối, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Chính sách giá điện thể hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước (Ảnh minh họa) |
Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã định hướng: Phát triển thị trường năng lượng đồng bộ, liên thông giữa các phân ngành điện, than, dầu khí và năng lượng tái tạo, kết nối với thị trường khu vực và thế giới; Xóa bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá năng lượng minh bạch do thị trường quyết định; Không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Nhà nước điều tiết hợp lý thông qua các công cụ thị trường (thuế, phí, các quỹ...) và chính sách an sinh xã hội phù hợp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cụ thể, chính sách giá điện tại Dự thảo Luật đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng phát triển năng lượng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của Nhà nước phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh; Giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; Giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm.
Ngoài các loại hình điện truyền thống, Dự thảo Luật quy định thẩm quyền liên quan quy định phương pháp xác định giá của dịch vụ về điện đối với hệ thống lưu trữ điện, nhà máy thủy điện tích năng để đảm bảo có cơ chế phù hợp trong phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để nâng cao tính linh hoạt và hiệu quả trong việc cung cấp điện, an ninh hệ thống điện.
Tập trung phát triển thị trường điện cạnh tranh
Để thúc đẩy hơn nữa việc triển khai và hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là cấp độ bán lẻ điện cạnh tranh, tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này, Bộ Công Thương đã tập trung sửa đổi nội dung theo hướng tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai thị trường điện thời gian qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai các cơ chế mua bán điện mới, xu hướng tiêu thụ điện “sạch” của khách hàng.
Cơ chế mua bán điện bám sát nhu cầu điện “sạch” của thị trường điện (Ảnh minh họa) |
Cụ thể, bổ sung quy định về nguyên tắc tái cơ cấu, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực điện lực; Bổ sung quy định về hợp đồng kỳ hạn điện áp dụng trong thị trường điện, đây là cơ chế để quản lý rủi ro cho các đơn vị tham gia thị trường; Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện, do Luật Điện lực hiện hành chưa có quy định cụ thể về nội dung này;
Bổ sung, điều chỉnh các quy định liên quan đến cơ chế giá điện để thúc đẩy hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh; Bổ sung quy định về tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay, trong các trường hợp (thiên tai, chiến tranh, mất cân bằng cung - cầu hệ thống điện) và thẩm quyền của Bộ Công Thương trong việc tạm ngừng, khôi phục lại hoạt động của thị trường điện giao ngay; Bổ sung quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng sử dụng điện lớn, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc, hoạt động, trình tự tham gia của cơ chế này, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng sử dụng điện lớn có mong muốn mua điện xanh, sạch.
Đặc biệt, để tăng cường kết nối lưới điện khu vực và mua bán điện với các nước láng giềng nhằm góp phần đảm bảo cung cấp điện cho đất nước là chủ trương của Đảng và Nhà nước, tại Điều 75 Dự thảo Luật Điện lực đã có nội dung quy định về mua bán điện với nước ngoài trên cơ sở kế thừa các nguyên tắc hiện hành tại Điều 28 Luật Điện lực 2024 và bổ sung các nguyên tắc chính trong việc mua bán điện với nước ngoài.
Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân
Dự thảo Luật Điện lực đã hiệu chỉnh “Giá điện và Giá các dịch vụ về điện” so với Luật Điện lực hiện hành căn cứ các quy định giá, dich vụ điện và sản phẩm của điện là sản phẩm vô hình, quá trình sản xuất và tiêu dùng không thể tách rời nhau. Sản phẩm như vậy là dịch vụ, không phải hàng hóa thông thường. Do đó, để thể hiện giá cho sản phẩm điện, Luật Điện lực đã hiệu chỉnh và hoàn thiện các nội dung liên quan thuộc Giá dịch vụ về điện.
Dự thảo Luật Điện lực đã bổ sung đầy đủ khung giá cho các loại hình cung cấp điện (Ảnh minh họa) |
Một vấn đề được nhiều người dân quan tâm là việc để giá bán lẻ điện bình quân thực hiện phản ánh sát với diễn biến thị trường và có tính thực thi cao, Chính phủ cũng đã thống nhất nâng cao tính pháp lý của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, Dự thảo Luật Điện lực đã hiệu chỉnh, bổ sung và luật hóa như sau: Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân thay vì Thủ tướng Chính phủ quy định tại Luật Điện lực hiện hành. Căn cứ điều chỉnh giá bán lẻ điện: Giá bán lẻ điện phản ánh kịp thời biến động thực tế thông số đầu vào, bù đắp các chi phí và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu không thấp hơn bình quân lãi suất liên ngân hàng thời hạn 06 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố của năm trước liền kề để bảo toàn, phát triển vốn kinh doanh của doanh nghiệp; thời gian được điều chỉnh ít nhất một lần trong thời gian 03 tháng kể từ lần điều chỉnh gần nhất.
Việc thay đổi thẩm quyền Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá thay vì Thủ tướng Chính phủ như hiện hành để đảm bảo nguyên tắc chung là Chính phủ đóng vai trò ban hành thể chế pháp luật, cơ chế chính sách về điều chỉnh giá điện và phù hợp với định hướng tại Nghị quyết 55-NQ/TW (Nghiên cứu, thực hiện luật hóa việc điều hành giá điện), phù hợp với thực tiễn điều chỉnh giá điện thời gian qua.
Bộ Công Thương cho rằng, tại Dự thảo Luật Điện lực đã thể chế hóa các quy định giá điện, chi phí phát điện đối với hầu hết các loại hình phát điện hiện có và dự kiến sẽ phát sinh trong thời gian tới. Theo đó, Dự thảo Luật Điện lực đã quy định các trường hợp mà một số loại hình dịch vụ phát điện sẽ xuất hiện trong thời gian tới như điện tích năng, điện năng lượng tái tạo tích hợp lưu trữ, điện hạt nhân...
Bộ Công Thương sẽ quy định phương pháp xác định giá của dịch vụ về điện đối với hệ thống lưu trữ điện, nhà máy thủy điện tích năng trong trường hợp bên bán điện đầu tư dự án nguồn năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện để hoạt động phát điện.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng là đơn vị quy định phương pháp xác định chi phí phát điện của nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu do Nhà nước độc quyền đầu tư xây dựng và vận hành; Nhà máy điện phối hợp vận hành theo danh sách do Bộ Công Thương quy định, bao gồm nhà máy điện có cùng tính chất vận hành với nhà máy điện hạt nhân, nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu.
Một tích cực trong Dự thảo Luật là việc quy định rõ hơn khung giá cho các loại hình cung cấp điện. Trong đó, Dự thảo Luật Điện lực đã bổ sung đầy đủ khung giá cho các loại hình cung cấp điện gồm: Các nhà máy thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí trong nước, nhiệt điện khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu; Nhà máy điện mặt trời, điện gió (bao gồm điện gió ngoài khơi); Nhà máy điện chất thải rắn và nhà máy điện sinh khối; Năng lượng tái tạo kết hợp với đầu tư hệ thống lưu trữ điện; Nhà máy thủy điện tích năng; Nhập khẩu điện.
Quy định khung giá nêu trên loại trừ những nhà máy điện đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - BOT và nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, nhà máy điện phối hợp vận hành có cùng tính chất vận hành với nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu, nhà máy năng lượng tái tạo nhỏ.
Bùi Công