Phòng cháy, chữa cháy và kỹ năng thoát hiểm: Quan trọng là ý thức
Vụ cháy thương tâm khiến 4 người thiệt mạng ở Hàng Lược (Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào ngày 15/1 vừa qua khiến dư luận không khỏi xót xa. Từ đây, nhiều bài học và cách phòng cháy, thoát nạn đối với nhà dân kết hợp kinh doanh được chỉ ra, đặc biệt vấn đề ý thức của người dân được đề cao.
Hiện trường vụ cháy trên phố Hàng Lược |
Nguy cơ vẫn tiềm ẩn
Thời gian vừa qua, toàn hệ thống chính trị của TP Hà Nội đã đưa cao công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) lên mức cao nhất. Công tác này không còn dừng lại ở những lời cảnh báo, tuyên truyền, mà thực sự đã được chuyển sang trạng thái phòng ngừa và chủ động trang bị phương tiện, diễn tập, thực tập các phương án. Khắp nơi từ phường, quận, các cơ quan doanh nghiệp, đơn vị trường học, thậm chí tổ dân cư, khối phố đều chung tay ngăn chặn, chống “giặc lửa”.
Nhiều mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, lần đầu tiên ra mắt… đã khẳng định được sự chủ động, tích cực PCCC&CNCH từ cơ sở và phía người dân.
Tuy nhiên, tình hình cháy nổ ở địa bàn Thủ đô, nhất là khu vực thành thị còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Điển hình là rạng sáng 15/1/2024, ngôi nhà ba tầng một tum cũng là tiệm kinh doanh hoa ở số 4 Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm, bốc cháy làm 4 người trong gia đình tử vong
Cụ thể, khoảng 4h40, tầng 2 ngôi nhà rộng khoảng 20 m2 ở số 4 phố Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm bốc cháy. Trong nhà có 5 người, gồm vợ chồng chủ nhà và 3 con cháu.
Do nhà chật, thiết kế kiểu ống với một mặt tiền, tầng 1 có cửa cuốn, tầng 2 và 3 rào kín phía trước nên lửa bốc rất mạnh, lan lên tầng 3 và tum, kèm nhiều tiếng nổ. Con gái chủ nhà 36 tuổi đã chạy lên tum, thoát sang ban công nhà bên cạnh.
Công an thành phố Hà Nội điều 7 xe chữa cháy, 39 chiến sĩ từ quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Đội Chữa cháy Cứu hộ cứu nạn khu vực số 1 đến hiện trường. Cảnh sát phải phá cửa cuốn tầng 1, phá cửa tầng 2 và 3 bơm nước vào trong.
Đến 5h07, đám cháy được khống chế. Lính cứu hỏa tiếp cận, phát hiện 4 người tử vong do ngạt khói, gồm vợ chồng ông Nguyễn Đức Hào, 70 tuổi và bà Đỗ Thị Hòa 63 tuổi cùng hai cháu ngoại 7 và 10 tuổi.
Điểm đáng chú ý, theo lực lượng chức năng Công an TP Hà Nội, nguyên nhân khiến các nạn nhân thiệt mạng chủ yếu do ngạt khói.
Trước đó không lâu, ngày 8/7/2023, tại số nhà 12, ngõ Thổ Quan, quận Ðống Ða cũng đã xảy ra vụ cháy nghiêm trọng, khiến 3 người tử vong, trong đó có hai trẻ em.
Cơ quan chức năng xác định, khu vực xảy ra cháy là nhà ở kết hợp kinh doanh dịch vụ (làm móng chân, móng tay), nhà hình ống, cao 6 tầng, 1 tum, diện tích khoảng 60 m2 (chiều rộng khoảng 2,5 m, chiều dài khoảng 24 m), kết cấu bê tông cốt thép. Ngôi nhà có mặt trước tiếp giáp với ngõ Thổ Quan chiều rộng khoảng 4m, mặt sau tiếp giáp với đường dân sinh chiều rộng khoảng 1 m, hai mặt còn lại tiếp giáp nhà dân.
Lực lượng chức năng tuyên truyền về PCCC |
Những cách chống “giặc lửa”
Như đã nói ở trên, sau nhiều vụ việc đau lòng gây thiệt hại về người, bài học về ngăn ngừa, phòng chống “giặc lửa” lại tiếp tục nóng. Nhất là trong thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nhiều nguy cơ lại càng hiện hữu.
Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hà Nội, những vụ cháy gây thiệt hại ở nhà dân như ở Đống Đa, Hà Đông, Hòa Đức… có điểm chung, đó là xảy ra vào ban đêm, giờ mọi người đã đi ngủ. Nếu xảy ra trong khung giờ ban ngày, thì người dân sẽ sớm phát hiện và có thể chủ động dập tắt đám cháy.
Vì sau nhiều thảm họa do cháy, người dân cũng đã có kỹ năng, tự trang bị phương tiện chữa cháy, nhiều nơi có điểm chữa cháy công cộng, tổ liên gia an toàn PCCC hoặc đã tự tìm hiểu thêm kiến thức từ rất nhiều nguồn khác nhau.
Thế nhưng thực tế, việc cháy nổ xảy ra vào giờ ngủ thì rất khó kiểm soát. Nguyên nhân cháy con người có thể kiểm soát được (ví dụ ngắt nguồn lửa, nguồn điện có nguy cơ…). Vì thế người dân phải tự kiểm tra hệ thống dây dẫn, các thiết bị tiêu thụ điện của nhà mình để ngăn chặn nguy cơ.
Theo vị đại diện này, tác nhân của cháy nổ tiềm ẩn còn là do cơ sở vật chất, nhà ở đã cũ kỹ, hệ thống điện khó có thể đảm bảo trong tình hình hiện nay. Ví như việc ngôi nhà ở Hàng Lược có thể được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước, thì việc không đảm bảo về nguồn điện đã rã rất rõ ràng.
Còn đối với loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh, việc trang bị hệ thống báo cháy phù hợp được cho là cần thiết. Hệ thống này hoạt động tốt thì nó sẽ phát huy tác dụng ngay khi đám cháy mới phát sinh. Kể cả người dân có đang ngủ, thì hệ thống báo cháy cũng sẽ là “tai mắt” giúp mình ngừa “giặc lửa”. Tiếng “chuông báo thức” của hệ thống báo cháy này sẽ phù hợp với cuộc sống hiện đại ngày nay, giúp con người bảo vệ được tính mạng và tài sản.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, cơ quan chức năng mới đang dự thảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho nhà ở riêng lẻ kết hợp kinh doanh. Thiết nghĩ, trước khi được “luật hóa”, người dân cần tự giác nâng cao ý thức để cứu chính…
Lắp hệ thống báo cháy rất quan trọng |
Ðể bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các cơ sở kinh doanh kết hợp nhà ở, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, kiểm tra xử lý những vi phạm quy định an toàn phòng cháy, các địa phương cần đẩy mạnh và nhân rộng mô hình Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy, Ðiểm chữa cháy công cộng trên toàn quốc để người dân tham gia, đồng tình hưởng ứng.
Mục tiêu mỗi người dân là một chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy, từ đó giảm đến mức thấp nhất những thiệt hại do hỏa hoạn gây ra. Mỗi hộ dân cần nâng cao ý thức, tự kiểm tra lại nguy cơ cháy ở nhà mình, chủ động chuẩn bị các phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra, dự kiến các lối thoát nạn khác ngoài cửa chính như ban công, sân thượng...; không lắp đặt biển quảng cáo, lồng sắt, lưới sắt tại ban công của nhà; không khóa cửa lên mái, trường hợp cửa có khóa cần quy định vị trí để chìa khóa.
Cùng với đó, người dân cần bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa gọn gàng, không che chắn, cản trở lối thoát nạn, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt tối thiểu 0,5 m. Nơi chứa, chất hàng nguy hiểm về cháy nổ phải bố trí tách biệt với nơi ở, sinh hoạt; không tích trữ xăng, dầu, chất lỏng dễ cháy ở trong nhà.
Các gia đình lắp đặt những thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện chung của tòa nhà; bố trí riêng biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh và khu vực nhà ở gia đình; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, trước khi đi ngủ và khi ra khỏi nhà…
Cảnh giác với thiết bị phòng cháy, chữa cháy giả, kém chất lượng
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ diễn ra thường xuyên gây tổn thất nặng nề về người và tài sản. Theo đó, nhu cầu của người dân mua những sản phẩm thuộc trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) như các loại bình xịt cứu hỏa, mặt nạ chống khói, thang dây thoát hiểm tăng cao. Trang bị phương tiện an toàn PCCC cho gia đình là cần thiết, tuy nhiên việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cũng là điều mà người dân lo ngại.
Khảo sát tại những tuyến phố có nhiều cửa hàng bán thiết bị PCCC và bảo hộ lao động như phố Lê Duẩn, Yết Kiêu, Nguyễn Du... (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), chúng tôi thấy rất đông người dân đến tìm mua các thiết bị phòng cháy. Chủ một cửa hàng bán thiết bị PCCC tại phố Yết Kiêu cho biết: "Gần đây, người dân mua mặt nạ chống khói, thang dây, khiến những mặt hàng này có lúc “cháy hàng”. Sau mỗi vụ cháy, tình trạng này lại diễn ra và sau đó một thời gian ngắn là chấm dứt”.
Người dân cần lựa chọn kỹ khi mua thiết bị PCCC |
Sống trên chung cư cao tầng nên anh Đỗ Văn Thanh ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội muốn trang bị cho gia đình một số thiết bị PCCC. Tuy nhiên, khi tìm hiểu trên mạng cũng như tại các cửa hàng, anh cũng chưa biết nên mua loại nào bởi có quá nhiều loại và giá cả khác nhau. Anh Đỗ Văn Thanh cho biết: “Tôi đã ra tận cửa hàng mua nhưng không mua được do những thiết bị mà tôi cần đều đang “cháy hàng”, mà xem trên mạng thì không nắm được chất lượng. Do nhu cầu tăng cao nên nhiều nơi có tình trạng găm hàng, tăng giá, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ”.
Chỉ cần gõ trên mạng xã hội cụm từ “mặt nạ phòng cháy”, “thang dây” sẽ cho ra nhiều hội nhóm, fanpage, cá nhân rao bán với đủ chủng loại, mẫu mã, giá cả và nguồn gốc xuất xứ. Theo tìm hiểu của phóng viên, mặt nạ trùm kín mặt được rao bán nhiều nhất, nhưng giá cả mỗi nơi mỗi khác. Loại này trước đây chỉ có giá 60.000 đồng/chiếc thì nay lên 80.000-100.000 đồng/chiếc. Có nơi bán 200.000-300.000 đồng/chiếc. Hay như thang dây trên thị trường hiện có nhiều mặt hàng thang dây giá rẻ, không rõ nguồn gốc xuất xứ nên nhiều người gặp khó khăn trong việc phân biệt giữa hàng thật-giả. Thông thường, các sản phẩm thang dây leo thoát hiểm chống hỏa hoạn có mức giá từ 400.000-800.000 đồng tuỳ theo chất liệu và độ dài từ 5-10m. Quả thật, người dân rất khó để phân biệt được chất lượng của các sản phẩm này.
Ông Phí Ngọc Tùng, Giám đốc Công Ty TNHH Thiết bị báo cháy Firesmart, cho biết: “Nếu sử dụng phải thiết bị giả thì khi phun bình xịt vào đám cháy, không những không dập được mà còn khiến đám cháy bùng lên, như vậy đã mất 10 phút vàng quan trọng để xử lý ban đầu... và khi đã cháy lan thì việc chữa cháy và dập tắt đám cháy là rất khó khăn. Để phân biệt chất lượng các sản phẩm PCCC đối với một người tiêu dùng bình thường là rất khó vì chất lượng phụ thuộc vào các linh kiện. Cách dễ nhất phân biệt chất lượng của sản phẩm PCCC là dựa vào tem kiểm định của Cục Cảnh sát PCCC cấp. Trên tem có mã QR code và có thể tra cứu bằng điện thoại di động, người tiêu dùng có thể kiểm tra mã số trên tem và trên QR code tra được trên điện thoại có trùng nhau hay không. Bên cạnh đó, đơn vị phân phối sản phẩm có cam kết bảo hành sản phẩm hay không”.
Trung tá, TS Phan Anh, Phó trưởng khoa Phòng cháy, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy cho biết: “Việc tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các thiết bị phòng cháy có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việc này có thể giúp người dân chọn đúng loại trang thiết bị phương tiện phù hợp với gia đình của mình. Sử dụng thiết bị sao cho có hiệu quả nhất cũng là việc đáng được quan tâm. Nếu sử dụng đúng loại và có tem kiểm định sẽ nâng cao hiệu quả chữa cháy. Việc người dân có ý thức mua thiết bị PCCC để tại nhà là việc cần làm, tuy nhiên cần mua các sản phẩm bảo đảm chất lượng”.
Vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã ban hành công văn yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác nắm bắt tình hình địa bàn, rà soát, xác minh thông tin về dấu hiệu vi phạm của tổ chức, cá nhân hoặc địa điểm kinh doanh đối với các sản phẩm thuộc trang thiết bị PCCC. Đó là các sản phẩm như bình xịt cứu hỏa, mặt nạ chống khói, thang dây. Cơ quan chức năng cũng khuyến cáo, việc kiểm tra tem kiểm định dán trên bình chữa cháy là vô cùng quan trọng, vì các phương tiện được kiểm định mới bảo đảm an toàn khi sử dụng. Khách hàng không nên mua hàng trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, chất lượng kém, không được kiểm tra an toàn, gây nguy hiểm khi sử dụng.