A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

An toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông: Cần lấp khoảng trống trong quy định pháp lý

Quốc hội đang cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, dự kiến sẽ xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới đây. Một trong những nội dung mới của hai dự thảo luật này, tiệm cận với quy định của các quốc gia tiên tiến, đó là yêu cầu xe ô tô phải có “hướng dẫn để lắp ghế ngồi, lắp dây đai an toàn dành cho trẻ em đối với ô tô chở người đến 9 chỗ” (Điều 49 dự thảo Luật Đường bộ) và “trẻ em dưới 10 tuổi hoặc chiều cao dưới 1,35 mét được chở trên xe ô tô con không được ngồi cùng hàng ghế của người lái xe khi tham gia giao thông đường bộ; trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em (trừ xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo quy định của pháp luật đường bộ). Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em” (Điều 9 dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ).

* Thiếu quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em

Thực tế cho thấy, không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng có nguyên nhân từ việc trẻ em ngồi trên xe không thắt dây an toàn, không có thiết bị an toàn phù hợp dành cho trẻ. Ngày 24/2/2021, tại Lâm Đồng, một ô tô 7 chỗ khi xuống dốc đã va chạm trực diện vào lan can bê tông. Vụ tai nạn khiến 4 người trong gia đình trên xe bị thương nặng, được đưa đến Bệnh viện II Lâm Đồng cấp cứu. Tuy nhiên, do bị thương quá nặng, cháu L.T.H. (7 tuổi) đã tử vong trên đường tới bệnh viện cấp cứu.

Ngày 14/7/2023, một ô tô 4 chỗ di chuyển từ thành phố Nam Định về xã Hợp Hưng, đến khu vực ngã tư xã Đại An và xã Hợp Hưng (huyện Vụ Bản), đã va chạm với xe tải. Trên ô tô lúc này có 4 người (gồm 2 phụ nữ và 2 bé gái nhỏ). Cú va chạm mạnh khiến nữ tài xế và 1 cháu bé tử vong.

Đây là hai trường hợp điển hình cho thấy các rủi ro dẫn tới thương tích với trẻ em trên xe ô tô đang diễn biến phức tạp. Theo đánh giá của các chuyên gia an toàn giao thông, các thiệt hại trên có thể phòng tránh và giảm thiểu rất nhiều nếu trẻ em được bảo vệ bởi các thiết bị an toàn phù hợp với trẻ.

Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em và vị trí an toàn của trẻ em trên xe ô tô. Nhiều phụ huynh vẫn để trẻ em ngồi ghế trước hoặc đứng trong xe, vươn tay ra cửa sổ, thò đầu qua cửa sổ trời…

Một khảo sát năm 2022 cho thấy, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông đường bộ có liên quan đến ô tô chiếm khoảng 30% tổng số các vụ tai nạn, trong khi lượng phương tiện này đang ngày một tăng nhanh, thị trường ô tô của Việt Nam mỗi năm tăng trưởng khoảng 500 nghìn xe mới và tốc độ giao thông ngày càng cao. Điều này đặt ra vấn đề về quy định liên quan đến an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

Dẫn kết quả nghiên cứu quan sát 1.102 xe ô tô cá nhân và 1.457 trẻ em từ 0 đến 10 tuổi tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, ông Dương Kim Tuấn (Đại học Y tế công cộng) cho hay, có tới hơn 42% phụ huynh cho con ngồi ở ghế phụ trước trong xe ô tô, trong đó có 19,2% được người lớn ôm, bế ở ghế phụ. Tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn rất thấp ở cả 3 thành phố, chỉ chiếm 1,3% và cao nhất ở Hà Nội là 2,6%. Tỉ lệ sử dụng thiết bị an toàn ở Đà Nẵng chỉ chiếm 0,4%.

Khi được hỏi về vị trí trên xe an toàn nhất cho trẻ, 36% người trả lời cho rằng ngồi ghế sau là an toàn nhất, 28% cho rằng ngồi ghế trước và 27,8% cho rằng ngồi trong thiết bị an toàn chuyên dụng là đáp án đúng nhất. Có tới 75,4% ủng hộ cần thiết có quy định bắt buộc về thiết bị an toàn trên xe.

“Trong xu hướng sử dụng ô tô tăng nhanh tại Việt Nam, đặc biệt là đối với các gia đình trẻ, quy định về thiết bị an toàn tại Việt Nam là vô cùng cần thiết để đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia giao thông”, ông Tuấn nói.

* Dây an toàn không có tác dụng với trẻ em

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng, chống chấn thương, Đại học Y tế công cộng, dây an toàn trên xe ô tô có tác dụng giảm 70% chấn thương nghiêm trọng và giảm 40% khả năng tử vong với hành khách trên xe. Tuy nhiên, dây an toàn chỉ được thiết kế cho người trưởng thành.

Trong trường hợp trẻ em còn nhỏ, dây an toàn không giữ được cơ thể trẻ khi có va chạm, thậm chí trẻ em bị chấn thương bởi chính dây an toàn. Một nghiên cứu công phu của Klinich và các đồng nghiệp, sử dụng dữ liệu từ Hệ thống đăng ký các vụ va chạm giao thông của Hoa Kỳ (NASS) từ năm 1988 đến năm 1991, cho thấy kích thước tối thiểu để một đứa trẻ sử dụng dây an toàn của người lớn là: chiều cao đứng 148cm; chiều cao ngồi 74cm và cân nặng 37kg.

Klinich và các đồng nghiệp kết luận rằng, cân nặng ít quan trọng hơn chiều cao; và trẻ em ở mọi lứa tuổi cần đạt chiều cao 148cm để sử dụng dây an toàn tiêu chuẩn trên ô tô. Điều đó đồng nghĩa với việc dưới 148 cm, trẻ cần sử dụng thiết bị an toàn phù hợp trên ô tô.

Thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô bao gồm: Nôi trẻ em sơ sinh (cho trẻ dưới 2 tuổi), ghế trẻ em nhỏ (cho trẻ từ 2-6 tuổi) và các loại đệm nâng (cho trẻ từ 6-10 tuổi). Việc sử dụng nôi an toàn cho trẻ dưới 2 tuổi và ghế cho trẻ dưới 6 tuổi rất dễ dàng và thuận tiện, bảo đảm độ tiện lợi và thoải mái cho trẻ.

Khi trẻ lớn từ 6-10 tuổi và ghế trẻ em có thể trở nên chật chội, khuyến cáo của Cơ quan Quản lý An toàn giao thông đường bộ Hoa Kỳ là nhóm trẻ em này vẫn nên tiếp tục sử dụng ghế nâng hoặc đệm nâng cho đến khi cao ít nhất 145cm.

Các thử nghiệm đã chứng minh khi trẻ em sử dụng thiết bị an toàn phù hợp thì rủi ro bị chấn thương giảm xuống rất thấp. Báo cáo của Hiệp hội An toàn giao thông đường bộ toàn cầu (GRSP) cho thấy, thiết bị an toàn cho trẻ em có thể giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong (giảm từ 34 - 81%), giảm các chấn thương nghiêm trọng (35-72%) và các chấn thương khác của trẻ (25-58%) trong các vụ va chạm giao thông.

Với trẻ sơ sinh, dùng ghế nôi hướng về phía sau xe giảm rủi ro tử vong hoặc chấn thương nặng tới 90% (so với trẻ không có thiết bị an toàn). Việc đặt nôi hướng về sau xe cũng giảm rủi ro gặp chấn thương nặng/tử vong xuống 5 lần so với đặt hướng về phía trước.

Theo báo cáo chuyên sâu về thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thiết bị an toàn cho trẻ em giảm rủi ro chấn thương nặng tới 80% so với trẻ chỉ dùng dây an toàn người lớn; ghế nâng cho lứa tuổi 6-10 tuổi giúp giảm 77% rủi ro chấn thương so với trẻ không sử dụng.

* Lấp khoảng trống pháp luật

Tiến sỹ Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, Việt Nam hiện chưa quy định về việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô. Đây là một khoảng trống về pháp luật. Trong các dự thảo văn bản pháp luật mới liên quan đến an toàn giao thông, thiết bị an toàn cho trẻ em đã được đặt ra và đang trong quá trình lấy ý kiến. Đây là xu hướng tích cực trong việc nỗ lực bảo vệ trẻ em tốt hơn khi tham gia giao thông.

Hiện có gần 100 quốc gia đã thể chế hóa quy định bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn trẻ em trên ô tô cá nhân. Đơn cử như trong khu vực ASEAN, Singapore bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 135 cm, Malaysia bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn với trẻ em dưới 136 cm và dưới 12 tuổi, quy định của Philippines là dưới 12 tuổi hoặc dưới 150 cm, Campuchia là dưới 4 tuổi. Khuyến cáo của WHO là ít nhất bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô cá nhân với trẻ cao dưới 135 cm và dưới 10 tuổi.

Theo đánh giá sơ bộ của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô tô có trẻ em. Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô tô một năm tại Việt Nam.

Đề xuất sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em nhận được phản ứng rất tích cực của cộng đồng, mạng xã hội và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, mặc dù chưa quy định nhưng rất nhiều người dân đã tự động áp dụng. Trong một số cuộc thăm dò dư luận rộng rãi trên toàn quốc, tỷ lệ ủng hộ đề xuất lên tới trên 84%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, quy định này chỉ nên áp dụng với xe con cá nhân, vì đây là loại xe có thể di chuyển ở tốc độ cao trên cao tốc, tần suất trẻ em sử dụng cao và bố mẹ người giám hộ luôn biết trước được nhu cầu này. Khuyến khích (nhưng không bắt buộc) với các loại xe vận tải công cộng vì vận tải công cộng có tốc độ thấp, hoạt động trong đô thị, tiêu chuẩn an toàn cao hơn và khó khăn trong đáp ứng nhu cầu ngẫu nhiên chở trẻ em.

Có thể quy định xe chở học sinh mầm non và tiểu học cần có dây bảo hiểm chuyên dụng thiết kế phù hợp với lứa tuổi học sinh. Quy định trên sẽ ngày càng phát huy tác dụng tích cực trong bảo vệ trẻ em khi số lượng ô tô tại Việt Nam ngày một tăng./.

Chu Thanh Vân


Tác giả: Chu Thị Thanh Vân
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm