Khu tái định cư ở Nghệ An bị bỏ hoang hàng thập kỷ
Sau 12 năm xây dựng, 2 khu tái định cư dành cho 110 hộ dân bị ngập lụt ở huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) vẫn bỏ hoang.
Nhà văn hóa tại khu tái định cư lâu ngày không sử dụng ngày càng bị xuống cấp. |
Khu tái định cư thành nơi phơi ván gỗ
Nằm bên khu vực hồ Vực Mấu và sông Mai Giang, trước đây cứ đến mùa mưa lũ người dân tại 2 xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu) và xã Quỳnh Trang (nay thuộc thị xã Hoàng Mai) chịu cảnh ngập lụt. Nước lũ dâng cao không chỉ ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, mà còn nguy hiểm đến tính mạng người dân nơi đây.
Trước nguy cơ đó, năm 2010, UBND huyện Quỳnh Lưu xây dựng dự án khu tái định cư để di dời các hộ dân vùng ngập lụt nói trên đến nơi ở mới được an toàn hơn. Theo thống kê, cả 2 xã có hơn 110 hộ nằm trong diện phải di dời.
Tại xã Quỳnh Thắng, khu tái định cư được chính quyền xây dựng trên diện tích gần 5ha, số vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ bố trí nơi ở mới cho trên 50 hộ dân thuộc các xóm 4, 5, 12.
Để di dời người dân về nơi ở mới, Nhà nước hỗ trợ chi phí 20 triệu đồng/1 hộ. Theo ước tính của người dân, nếu đến nơi ở mới họ sẽ phải làm nhà và công trình phụ mất ít nhất khoảng 500 triệu đồng. Trong khi đó, so với thu nhập của người dân thì đây là một số tiền rất lớn.
Sau 2 năm xây dựng, khu tái định tại xã Quỳnh Thắng cơ bản hoàn thành hạ tầng gồm đường, mương thoát nước, điện, nhà văn hóa cộng đồng…
Thế nhưng, suốt 12 năm qua, khu tái định cư này không có người dân nào đến sinh sống. Nguyên nhân là do diện tích đất được bố trí tại khu tái định cư ít hơn nơi đang ở, đất sản xuất cằn cỗi, số tiền hỗ trợ di dời thấp và chưa có nước sạch.
Lâu ngày, nơi đây trở thành nơi tập kết, phơi gỗ của một xưởng mộc. Trong khi đó, nhà văn hóa cộng đồng thuộc khu tái định cư cửa đóng then cài, hệ thống đường nội bộ, mương thoát nước cũng không khỏi xuống cấp khi để quá lâu ngày không sử dụng.
Nằm trong diện tái định cư do nằm gần hồ Vực Mấu, ông Trịnh Xuân Giang (trú tại xóm 4, xã Quỳnh Thắng) cho biết, diện tích đất ở hiện tại của gia đình khoảng 3.000m2, nhà có 5 khẩu, quanh năm nuôi gà và đánh cá cũng đủ trang trải phần nào cuộc sống. Nếu lên khu tái định cư, với diện tích đất khoảng 600m2 chỉ đủ xây nhà và các công trình phụ, không còn đất để canh tác, sản xuất.
“Chúng tôi không muốn di dời đến khu tái định cư là do khi nhận đất đến nơi ở mới thì phải phá dỡ toàn bộ tài sản cũ và phải chuyển mục đích sử dụng đất ở nơi cũ sang đất sản xuất nông nghiệp, trong khi mức hỗ trợ thấp. Vì vậy, người dân làm giấy cam kết tự nguyện ở lại”, ông Giang cho biết thêm.
Cũng theo người đàn ông này, khu vực xóm 4 của xã Quỳnh Thắng là nơi có nhiều hộ dân nhất bị ngập lụt vào mùa mưa khi hồ Vực Mấu tích nước. Cuộc sống của người dân cũng dần quen với cảnh sống chung với mưa lụt.
Năm 2013, là năm nước lụt lên đỉnh điểm, ngập bàn ghế, giường tủ, chết hết gia cầm nhưng họ vẫn kiên trì bám trụ. Để khắc phục phần nào thiệt hại, ông Giang và các hộ dân khác phải chi hàng trăm triệu đồng mua đất về bồi đắp vườn, nâng nền nhà cao lên.
Chuyển đổi mục đích để tránh lãng phí
Ông Lê Văn Nga, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng cho biết, khu tái định cư cho dân bị ngập lụt bị bỏ hoang thời gian dài gây lãng phí ngân sách và quỹ đất, trong khi chính quyền địa phương không đủ thẩm quyền để quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng.
Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, UBND xã đề xuất huyện Quỳnh Lưu xem xét cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng dự án khu tái định cư sang dự án đất ở nông thôn bao gồm: Giao đất theo hình thức định giá cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định pháp luật hoặc đấu giá đất ở cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.
Cách đó không xa, khu tái định cư được xây dựng hơn 6 tỷ đồng ở xã Quỳnh Trang cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Theo kế hoạch, khu tái định cư này bố trí chỗ ở cho 66 hộ dân với diện tích từ 300 - 400m2/hộ. Ngoài ra, người dân còn được nhận hỗ trợ từ 10 - 15 triệu đồng để di dời nhà đến nơi ở mới.
Thế nhưng, sau 12 năm, khu tái định cư rộng 4ha bỏ không lâu ngày trở thành bãi chăn thả gia súc, cây cỏ mọc quá đầu gối. Hệ thống hạ tầng khu tái định cư xuống cấp, một số đoạn kênh thoát nước bị hư hỏng.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân họ không chuyển đến khu tái định cư là do diện tích đất ở tại đây ít, không có đất sản xuất. Trong khi đó, để xây dựng được nhà mới mất hàng trăm triệu đồng. Dù biết khi mùa mưa lũ về, nước dâng lên nguy hiểm, nhưng nhiều hộ vẫn chấp nhận bám trụ lại vì “miếng cơm manh áo”.
Ông Lê Đăng Thăng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Trang cho biết, chính quyền địa phương nhiều lần lấy ý kiến, vận động người dân bị ảnh hưởng ngập lụt sông Mai Giang di dời về khu tái định cư nhưng không ai lên. Do khu tái định cư này vẫn còn những bất cập như hạ tầng chưa hoàn thiện, diện tích đất ở và đất canh tác quá ít.
Trong khi chờ chính quyền cấp trên quyết định, địa phương đang bảo vệ, không cho các hộ dân sinh sống xung quanh cơi nới, lấn chiếm vào đất thuộc khu tái định cư.
Ông Nguyễn Xuân Dinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, dự án di dời dân ngập lụt tại 2 xã Quỳnh Thắng và Quỳnh Trang là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tế thời điểm đó. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên người dân không chuyển đến sinh sống. Để tránh lãng phí quỹ đất, huyện Quỳnh Lưu đang trình UBND tỉnh Nghệ An xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng để đấu giá.