Xét tuyển bổ sung đại học: Không thể theo phong trào
Ngày mai (8/9) là hạn cuối xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên trước đó nhiều trường đã thông báo xét tuyển bổ sung hàng nghìn chỉ tiêu.
“Chạy đua vào đại học’’ có nên không?
Năm nay có gần 1 triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp, trong đó 660.000 thí sinh xét tuyển và trong số này có 92,7% trúng tuyển đợt 1. Trong khi đó, dù chưa đến hạn cuối nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng đã có hàng loạt trường thông báo xét tuyển bổ sung, với khoảng 20.000 chỉ tiêu. Điều này đồng nghĩa với việc còn nhiều cơ hội cho thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1.
Ngày mai (8/9) là hạn cuối xác nhận nhập học trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều thí sinh vì không đủ điểm xét tuyển đại học đợt 1 nên đã đăng ký xét tuyển bổ sung nhưng lại chỉ để “cho đỗ đại học’’ mà không quan tâm đó là ngành nghề mình yêu thích hay không.
Bên cạnh đó, nhiều em đăng ký do được bạn bè rủ, trong khi bản thân biết không phù hợp với chương trình học tập của chuyên ngành này.
Chia sẻ của nhiều thầy cô giáo: Đây là lối tư duy nguy hiểm, chạy theo phong trào mà không biết năng lực của mình có đáp ứng được không. Các em phải hiểu bản thân mình đang có gì, muốn gì và sau này ra trường đáp ứng nhu cầu của xã hội ra sao, thu nhập có ổn định không để chọn ngành cho đúng.
Nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh cùng khẳng định, mùa tuyển sinh năm 2023, cơ hội rất rộng mở với thí sinh. Các em có thể cùng lúc đăng ký nguyện vọng vào các lĩnh vực khác nhau, thậm chí trái nhau hoặc đăng ký nguyện vọng cùng một lĩnh vực/ngành của nhiều trường khác nhau. Tuy nhiên, việc tham gia xét tuyển bổ sung vẫn phải dựa trên nguyên tắc chọn những ngành phù hợp với năng lực và đam mê. Bên cạnh đó cũng cần xét tới yếu tố tài chính.
Cô Trần Thanh Hải – Giáo viên Trường THPT Hàn Thuyên Bắc Ninh – gợi ý: Các em không nên chọn cho xong một ngành nào đó mà cần tìm hiểu thật kỹ về ngành học, vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp; nên có lựa chọn theo quyết định của chính mình chứ không nên theo số đông...
Những lưu ý cho thí sinh xét tuyển bổ sung
Dù có hàng nghìn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung song theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Lựa chọn nghề nghiệp tương lai các em cần dựa vào năng lực bản thân, tiềm lực của gia đình và nhu cầu của xã hội. Các em nên đánh giá lại khả năng của mình ở đâu để lựa chọn con đường của riêng mình chứ không chọn theo xu thế đám đông. Có nhiều cơ hội để các em lựa chọn cho tương lai như có thể học cao đẳng vừa học nghề, vừa theo đuổi ước mơ của bản thân...
Ngoài ra, các chuyên gia tuyển sinh cũng đặc biệt lưu ý thí sinh thời gian và điều kiện xét tuyển bổ sung cụ thể của từng trường. Ví dụ Trường Đại học Thương mại thông báo xét tuyển bổ sung các chuyên ngành đào tạo trình độ đại học liên kết với các trường đại học đối tác nước ngoài. Để xét tuyển theo kết quả học tập THPT 5 học kì, thí sinh cần đáp ứng điều kiện đã tốt nghiệp THPT, đồng thời có kết quả trung bình học tập và kết quả trung bình môn ngoại ngữ từ 6,5 điểm. Nếu xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh có tổng điểm 3 môn thi bất kỳ thuộc các môn thi tốt nghiệp từ 20 điểm trở lên.
Nếu xét tuyển thẳng, thí sinh có 1 trong các chứng chỉ ngoại ngữ còn thời hạn giá trị đến thời điểm xét tuyển sẽ được xét tuyển thẳng, cụ thể: IELTS 5.5, TOEFL iBT 72, APTIS ESOL B2, TOEIC (4 kỹ năng) 1095, VSTEP bậc 4/6 trở lên.
Hay Trường Quản trị và Kinh doanh – Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh bổ sung 156 chỉ tiêu theo phương thức sơ tuyển kết hợp xét tuyển. Tất cả thí sinh phải vượt qua vòng sơ tuyển (bao gồm đánh giá hồ sơ thí sinh và đánh giá trí thông minh cảm xúc EQ) trực tiếp từ Ban đánh giá hồ sơ và Hội đồng tuyển sinh nhà trường trước khi xét tuyển. Bên cạnh đó, thí sinh có thể xét theo điểm thi tốt nghiệp hoặc chứng chỉ IELTS (hoặc tương đương). Mức điểm sàn xét tuyển dao động 20,55-22 điểm.
Các thầy cô cũng chia sẻ thêm, trường hợp trượt hết tất cả nguyện vọng thì cũng không phải là dấu chấm hết, các em còn nhiều lựa chọn khác. Năm nay trượt không có nghĩa là không được quyền thi tiếp vào năm sau. Năm tới, các em có thể thi với tư cách thí sinh tự do và đăng ký những tổ hợp mà trường đại học xét tuyển; hoặc có thể lựa chọn học cao đẳng, trường nghề nếu "tuột tay" khỏi cánh cửa đại học.
Tuy nhiên, trong tình huống trượt tất cả các nguyện vọng đại học thì vai trò của cha mẹ, người thân rất quan trọng. Phụ huynh không nên tạo áp lực quá lớn cho con cái dễ dẫn đến tâm lý tiêu cực và chán nản, xấu hổ mà cần đồng cảm với các em, lắng nghe, gần gũi các em nhiều hơn. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các phương án nếu như con không thi đỗ đại học thì sẽ làm gì, học tiếp ra sao...
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ là kỳ thi cuối cùng học sinh theo học chương trình giáo dục phổ thông cũ. Như vậy, nếu thí sinh năm sau không trúng tuyển đại học thì đến năm 2025 muốn xét tuyển lại bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT có thể sẽ phải học lại cấp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. |