A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giúp sinh viên sư phạm trưởng thành trong nghề

Để sinh viên ngành sư phạm nắm vững được chuyên môn, nghiệp vụ, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã phối hợp với nhiều trường học phổ thông tổ chức mô hình thực tập thường xuyên. Mô hình này đã giúp các bạn trẻ xử lý thành thạo mọi tình huống sư phạm, khi ra trường có thể bắt tay vào công việc ngay.

Nâng cao chất lượng kỳ thực tập

Thực tập là giai đoạn thực hành, thực tế nghề nghiệp giúp sinh viên tiếp cận với công việc mà sau này ngành nghề yêu cầu. Quá trình thực tập là thời gian sinh viên được tiếp cận, gần gũi hơn với những nhà tuyển dụng, hiểu được họ cần gì và mình phải làm gì để đáp ứng nhu cầu công việc.

Nhiều năm qua, dù chương trình thực tập truyền thống của sinh viên ngành sư phạm đã mang lại những hiệu quả rõ ràng nhưng chưa thực sự tận dụng, phát huy được hết việc học đi đôi với hành.

Sinh viên ngành sư phạm của trường Đại jhocj Thủ đô Hà Nội dự giờ  mẫu tại một trường phổ thông

Sinh viên ngành sư phạm của trường Đại học Thủ đô Hà Nội dự giờ mẫu tại một trường phổ thông

Tại trường Đại học Thủ đô Hà Nội, trước đây, không chỉ với ngành sư phạm mà đối với hầu hết các ngành đào tạo, nhà trường thường bố trí thời gian đi thực tập của sinh viên vào các năm thứ 2, thứ 3 và thứ 4 (3 đợt thực tập) hoặc năm thứ 3, thứ 4 (2 đợt thực tập). Mỗi đợt thực tập được tổ chức từ 4 đến 8 tuần. Trong thời gian thực tập, sinh viên tạm thời dừng việc học tập, dành toàn bộ thời gian ở cơ sở. Cách tổ chức như vậy có những ưu điểm là: Sinh viên được trải nghiệm các hoạt động của cơ sở thực tập trong cả tuần hoặc tháng, gắn bó như một thành viên của đơn vị, công tác quản lí của đơn vị thuận lợi hơn... Tuy nhiên, việc tổ chức thực tập tập trung cũng bộc lộ nhiều điểm hạn chế như: Vì thời gian cố định nên sinh viên chỉ được trải nhiệm công việc trong một thời hạn nhất định, vì thế không đủ lâu để các em khắc sâu, rèn luyện mọi kĩ năng nghề nghiệp học hỏi được từ thực tế. Ngoài ra, sinh viên được học lí thuyết nhiều nhưng phải chờ đến đợt thực tập mới được ứng dụng, trải nghiệm...

Theo thầy Đỗ Hồng Cường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội, với mô hình thực tập truyền thống, sinh viên chỉ tập trung thực tập trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian đó, sinh viên dừng hẳn việc học ở trường, điều này khiến sinh viên dễ rơi vào tâm lý “thực tập cho xong” để còn quay trở lại học tập. Vì vậy, trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã liên kết với nhiều đơn vị trên địa bàn để có thể triển khai mô hình vừa học trên giảng đường, vừa áp dụng kiến thức vào đứng lớp dạy học thực tế tại các trường phổ thông.

Chương trình học tập lí thuyết tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội trang bị cho sinh viên những kiến thức, lí luận khoa học cơ bản, giúp sinh viên tự tin khi thực hiện các công việc nghề nghiệp. Tuy nhiên, lí thuyết đó cần phải có một môi trường thực tiễn để áp dụng, trải nghiệm mới đạt hiệu quả. Thời gian đi thực tập sẽ giúp sinh viên hoàn thiện hơn quá trình đào tạo nghề tại Trường ĐH Thủ đô Hà Nội.

Các chuyên gia giáo dục cho rằng, đối với sinh viên sư phạm cần có nhiều thời gian, thời điểm để được tiếp cận với các tình huống sư phạm trên lớp học hay xử lí các mối quan hệ của một giáo viên với đồng nghiệp, học sinh, cha mẹ học sinh,... Nếu thời gian không được trải dài thì sẽ hạn chế sự hiểu biết và va chạm thực tế của sinh viên để giải quyết tình huống sư phạm.

Vì vậy thay đổi cách cho sinh viên thực tập truyền thống sang mô hình vừa học, vừa giảng dạy trực tiếp tại trường phổ thông là một hướng đi được một số ít trường có chuyên ngành đào tạo sư phạm đang hướng tới trong đó có trường Đại học Thủ đô Hà Nội.

Một giờ thực tập của sinh viên ngành sư phạm trường ĐH Thủ đô Hà Nội

Một giờ thực tập của sinh viên ngành sư phạm trường ĐH Thủ đô Hà Nội

Là sinh viên năm 4, trường Đại học Thủ đô, Nguyễn Thanh Thúy chia sẻ: “Sinh viên đến cơ sở thực tập tập trung 4 tuần hoặc 8 tuần thì thường mất tuần đầu cho công tác làm quen, tìm hiểu cơ quan, đơn vị nơi đến thực tập,... Tuần cuối tập trung cho công tác tổng kết, báo cáo, chia tay, hoàn thiện hồ sơ như vậy vừa quen việc thì thời gian thực tập đã kết thúc”.

Để có thể tổ chức được các đợt thực tập trong thời gian dài, với sự tham gia của rất nhiều cá nhân, tổ chức, công tác thực tập được trường Đại học Thủ đô tổ chức một cách khoa học, chu đáo như: Thành lập Ban Chỉ đạo thực tập các cấp để xây dựng kế hoạch chỉ đạo công tác thực tập cho sinh viên. Bên cạnh đó, nhà trường liên kết với nhiều trường phổ thông để sinh viên có môi trường thực tập, trải nghiệm vừa học, vừa làm.

Gắn lý thuyết với thực hành

Với nỗ lực cố gắng biến môi trường làm việc thành nơi học tập, cách làm của trường Đại học Thủ đô Hà Nội đã đưa quá trình thực tập “gắn lý thuyết với thực hành”, giúp sinh viên vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ, tự tin tham gia vào nghề nghiệp ngay khi mới tốt nghiệp ra trường.

Nói về mô hình này, ông Lưu Văn Thông, Hiệu trưởng trường THCS Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) cho biết: “Với cách thức tổ chức thực tập thường xuyên của trường Đại học Thủ đô Hà Nội, sinh viên biết chủ động xây dựng Kế hoạch tại cơ sở phù hợp với lịch học tập tại trường đại học. Điều này khiến cho việc vừa học vừa làm rất hiệu quả”.

Thực tập thường xuyên giúp sinh viên tích lũy được nhiều kỹ năng trong nghề nghiệp sau này

Thực tập thường xuyên giúp sinh viên tích lũy được nhiều kỹ năng, tự tin đứng trên bục giảng ngay sau khi ra trường

Có thể nói, thời gian thực tập được kéo dài trong suốt cả học kì nên sinh viên có cơ hội để trải nghiệm tất cả các hoạt động giáo dục ở cơ sở. Những hoạt động đó đã giúp sinh viên trưởng thành lên, đó là những kĩ năng nghề cần thiết giúp các em có thể tự tin, vững vàng trên bục giảng sau khi tốt nghiệp ra trường.

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD&ĐT quận Ba Đình chia sẻ: “Đây là dịp tốt để sinh viên được tìm hiểu, tham gia và tập làm công tác tổ chức các hoạt động cho học sinh ở trường phổ thông. Sinh viên tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu cho quá trình công tác sau này”.

Đối với sinh viên sư phạm việc thực tập thường xuyên giúp các em nắm được những công việc của một giáo viên phổ thông cần diễn ra trong suốt năm học như chuẩn bị bài, kiểm tra đánh giá, hoàn thiện hệ thống sổ sách chuyên môn nghiệp vụ, các kĩ năng ứng xử sư phạm đối với cả học sinh và cha mẹ học sinh. Bên cạnh đó, việc thực tập ở các cơ quan, doanh nghiệp, sinh viên có đủ thời gian để có thể tham gia vào các dự án dài hơi của đơn vị, qua đó có thể học tập được những kinh nghiệm và nghiệp vụ nghề nghề nghiệp cần thiết cho bản thân.

Hình thức thực tập thường xuyên là một mô hình mới mẻ trong hệ thống đào tạo nghề sư phạm. Mô hình này mặc dù vẫn còn gặp một số khó khăn khi triển khai nhưng nếu có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các đơn vị tổ chức thực tập thì sinh viên sẽ được rèn nghề vững vàng và có nhiều cơ hội việc làm hơn sau khi tốt nghiệp.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm