Doanh nghiệp in ấn, xuất bản giáo dục trước rủi ro từ giảm giá sách tồn kho
Kết thúc quý 3, khoảng một nửa công ty in ấn, xuất bản giáo dục tiếp tục báo lãi tăng so với cùng kỳ. Sự thay đổi, cập nhật chương trình sách giáo khoa giai đoạn gần đây giúp các công ty thu lợi nhờ tăng giá bán, nhưng cũng đối mặt với rủi ro hàng tồn kho lỗi thời, phải lập dự phòng giảm giá lớn.
Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trong 23 doanh nghiệp ngành xuất bản giáo dục trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) đã công bố BCTC quý 3/2023, so với cùng kỳ năm trước, có 19 công ty tiếp tục lãi. Trong đó có 8 công ty kết quả đi lùi, 3 công ty chuyển từ lãi sang lỗ và 1 công ty tiếp tục lỗ. Các doanh nghiệp đạt tổng cộng 3,621 tỷ đồng doanh thu và mang về 111 tỷ đồng lãi ròng, tăng nhẹ lần lượt 7% và 2%.
Lãi ròng quý 3/2023 của doanh nghiệp in ấn, xuất bản giáo dục (Đvt: tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Tăng lãi nhờ thay đổi thời điểm phát hành SGK
Quý 3/2023, EID, SED, STC, SMN, DAD, TPH, BDB là những doanh nghiệp có lãi tăng so với cùng kỳ, phần lớn nhờ vào tăng doanh thu xuất bản, bán sách giáo khoa (SGK) hoặc sách bổ trợ.
Cụ thể, CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội (HNX: EID) có thêm dòng sản phẩm mới, bên cạnh thời điểm phát hành sách tập trung vào quý 3, đưa doanh thu tăng 20%, đạt 502 tỷ đồng. Lợi nhuận từ đó cũng đạt 23 tỷ đồng, tăng 12%.
Tương tự, doanh thu xuất bản phẩm của CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Phương Nam (HNX: SED) tăng 15%, lên 440 tỷ đồng; lợi nhuận tăng 10%, đạt gần 16 tỷ đồng.
Đối với CTCP Sách và Thiết bị Trường học TP.HCM (HNX: STC), quý 3 tăng mạnh doanh thu bán hàng sách và sản phẩm in 33%, đạt 135 tỷ đồng. Dù giá vốn tăng với tỷ lệ cao hơn nhưng do lãi vay cùng chi phí bán hàng giảm nên STC vẫn thu lãi ròng tăng 21%, đạt gần 5 tỷ đồng.
Trong khi đó, CTCP Sách và Thiết bị Giáo dục Miền Nam (HNX: SMN) cho biết, do Nhà xuất bản Giáo dục áp dụng thời điểm phát hành SGK năm 2023 vào tháng 6, chậm hơn 2 tháng so với năm trước, làm doanh thu tăng 20%, đạt 196 tỷ đồng. Dù nhiều chi phí bị đội lên cao, SMN vẫn thu lợi nhuận hơn 4.3 tỷ đồng, tăng 22%.
CTCP Đầu tư và Phát triển Giáo dục Đà Nẵng (HNX: DAD) đạt doanh thu 130 tỷ đồng, tăng 67%, chủ yếu tăng từ doanh thu bán SGK và sách bổ trợ. Lãi ròng tăng 72%, đạt 3.4 tỷ đồng.
Trong kỳ, CTCP In sách giáo khoa tại Thành phố Hà Nội (HNX: TPH) tăng mạnh doanh thu bán cho các đơn vị thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, mang về gần 17 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Riêng giao dịch với Nhà xuất bản Giáo dục tại Hà Nội gấp 4 lần, đạt hơn 12 tỷ đồng. Chi phí nguyên vật liệu và chi phí dịch vụ mua ngoài tăng mạnh, song TPH vẫn lãi tăng 43%, đạt gần nửa tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận quý 3/2023 tăng trưởng (Đvt: tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Một số doanh nghiệp, dù giảm doanh thu từ xuất bản, phát hành, nhưng lợi nhuận quý 3 vẫn tích cực nhờ vào yếu tố ngoài lề. Chẳng hạn, CTCP Sách Việt Nam (UPCoM: VNB) thu về lãi cho vay hơn 23 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ; góp phần đáng kể đưa lãi ròng tăng hơn 60%, lên 18 tỷ đồng; trong khi doanh thu chỉ 8.4 tỷ đồng, giảm 11%.
Hay CTCP Mỹ thuật và Truyền thông (HNX: ADC) dù sức mua giảm ảnh hưởng đến doanh thu, chủ yếu là sách tham khảo giảm 13%, còn 123 tỷ đồng; Công ty vẫn lãi 4.2 tỷ đồng, tăng 69% nhờ tiết giảm chi phí.
Giảm lãi do thị trường khó khăn
Các doanh nghiệp trong ngành có kết quả lợi nhuận đi lùi, phần lớn do giảm doanh thu bán SGK, sách tham khảo khi thị trường khó khăn. CTCP Phát hành Sách Thành phố Hồ Chí Minh (UPCoM: FHS) cho biết, do thị trường giảm sức mua, doanh thu chỉ tương đương cùng kỳ; trong khi chi phí hoạt động tăng khiến lợi nhuận giảm hơn 20%, còn gần 15 tỷ đồng.
Cùng lý do, lợi nhuận của CTCP Văn hóa Phương Nam (HOSE: PNC) giảm 35%, còn hơn 7 tỷ đồng, do giảm doanh thu phía Công ty bán lẻ Phương Nam. CTCP Sách và Thiết bị Trường học Long An (HNX: LBE) gặp khó khăn ở mảng SGK và học phẩm cấp mầm non do có đối thủ cạnh tranh, nên lãi giảm 21%, xuống còn 860 triệu đồng.
CTCP Sách và Thiết bị Bình Thuận (HNX: BST) giảm 18% doanh thu, chủ yếu từ thiết bị giáo dục; lãi ròng theo đó chỉ còn 880 triệu đồng.
Doanh thu sách tham khảo giảm từ 60 tỷ đồng xuống 52 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến CTCP Sách Giáo dục tại Thành phố Đà Nẵng (HNX: DAE) thu lãi còn 1.3 tỷ đồng, giảm 8%.
CTCP In Sách Giáo khoa Hòa Phát (HNX: HTP) có thể xem là ngoại lệ trong nhóm đi lùi khi có doanh thu tăng 50%, đạt 23 tỷ đồng. Ngoài ra còn có khoản đột biến từ lãi tiền gửi và cho vay gần 22 tỷ đồng (cùng kỳ hơn 300 triệu đồng). Tuy nhiên, lãi vay trái phiếu, ngân hàng và chi phí hỗ trợ khách hàng vay ngân hàng bị đội lên hơn 5 lần cùng kỳ khiến lợi nhuận giảm mạnh 40%, chỉ còn hơn 500 triệu đồng.
Nhóm doanh nghiệp lợi nhuận quý 3/2023 đi lùi (Đvt: tỷ đồng) Nguồn: VietstockFinance |
Thua lỗ do thay đổi chương trình SGK
Thay đổi chương trình SGK mang lại thuận lợi cho một số doanh nghiệp, trong khi số khác chịu bất lợi do mất nguồn thu. Nhóm thua lỗ quý 3 gồm HEV, STH và ECI, dù năm ngoái có lãi. Riêng QST tiếp tục lỗ.
Ngược với nhóm tăng doanh thu, CTCP Sách Đại học - Dạy nghề (HNX: HEV) cho hay, kết quả kém khả quan là do Công ty không được cung ứng tem công nghệ 4.0 cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam từ tháng 08/2022, đồng thời thay đổi chương trình SGK theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, khiến HEV mất đi doanh thu từ sách QPAN lớp 10, 11 và sách bổ trợ lớp 4. Cùng với đó, các sản phẩm mới chưa thể bù đắp cho phần doanh thu thiếu hụt. HEV lỗ gần 30 triệu đồng trong quý 3, cùng kỳ lãi hơn 150 triệu đồng.
Sức tiêu thụ sản phẩm kinh doanh bị ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế chung khiến doanh thu CTCP Phát hành Sách Thái Nguyên (UPCoM: STH) giảm 1/3 và kết quả lỗ hơn 1.1 tỷ đồng.
Doanh thu bản đồ, tranh ảnh giáo dục của CTCP Tập Đoàn ECI (HNX: ECI) giảm từ 10.1 tỷ đồng xuống 1.4 tỷ đồng, doanh thu thiết bị giáo dục giảm từ 5.4 tỷ đồng xuống 1.8 tỷ đồng là tác động chính khiến ECI lỗ gần 2 tỷ đồng.
Riêng CTCP Sách và Thiết bị Trường học Quảng Ninh (HNX: QST) tiếp tục lỗ hơn 2 tỷ đồng dù doanh thu tăng 18%. Công ty cho biết, do thuê điểm mở thêm 3 nhà sách mới, trong đó có nhà sách Quảng Yên, phải đầu tư xây dựng cơ bản với số tiền tương đối lớn nên đã ảnh hưởng đến lợi nhuận quý 3. Ngoài ra, việc tăng lương sớm 3 tháng cho người lao động cũng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh.
Hàng tồn kho dễ lỗi thời, thường lập dự phòng lớn
Các thay đổi, cập nhật nội dung, chương trình SGK ở các cấp giáo dục khiến kế hoạch kinh doanh bị thay đổi, làm nguồn thu giảm, sản phẩm xuất bản dễ lỗi thời. Do đó, doanh nghiệp thường trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho với tỷ trọng đáng kể.
Cuối tháng 09/2023, các công ty ECI, DAD, HTP, HEV, EID, VNB, PNC, QST, EBS có khoản dự phòng rất cao - từ 10% đến 50% giá trị hàng tồn kho.
Mức trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho quý 3 năm nay của ECI bằng 51% giá trị hàng tồn kho, cao hơn nhiều so với mức 37% cùng kỳ năm trước. Tương tự, DAD, HTP, HEV, EID, PNC, QST cũng trích lập dự phòng với tỷ lệ cao hơn. Riêng EBS giảm mạnh mức trích lập, chỉ còn 8% so với 48% cùng thời điểm năm ngoái.
Tỷ lệ trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho quý 3/2023 (Đvt: %) Nguồn: VietstockFinance |