A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

3,6 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng 67.950 tỷ đồng

Thông tin từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng doanh số vay vốn cho học sinh, sinh viên đến hết ngày 31/12/2021 đạt 67.950 tỷ đồng.

Tại Hội thảo “Giáo dục 2023: Thể chế, chính sách nâng cao chất lượng giáo dục đại học”, Bộ Tài Chính báo cáo, bình quân mỗi năm khoảng 7.500 tỷ đồng ngân sách nhà nước được bảo đảm bố trí đủ kinh phí để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng hưởng ưu đãi theo học tại các cơ sở giáo dục và đào tạo.

"Bên cạnh đó, hằng năm, ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất và chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên" - báo cáo nêu.

Báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng doanh số cho vay từ khi triển khai chương trình đến hết ngày 31/12/2021 đạt 67.950 tỷ đồng.

Số dư nợ đến ngày 31/12/2021 là 10.243 tỷ đồng, với 298.721 hộ còn dư nợ (vay vốn cho trên 325.000 học sinh, sinh viên; trong đó nợ quá hạn là 104.000 triệu đồng, chiếm 1,0% tổng dư nợ). Tổng số học sinh, sinh viên được vay vốn là 3,6 triệu học sinh, sinh viên.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII nhằm góp phần hỗ trợ cho học sinh, sinh viên theo học, qua đó nâng cao trình độ học sinh, sinh viên, góp phần đổi mới giáo dục và đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, trong đó mức cho vay tối đa được tăng lên 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên. Các nội dung liên quan về cơ chế cho vay được sửa đổi, bổ sung để nâng cao hiệu quả thực hiện.

Thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đáp ứng yêu cầu học trực tuyến của học sinh, sinh viên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4/4/2022 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, trong đó quy định: Mức cho vay tối đa là 10 triệu đồng/học sinh, sinh viên; thời gian vay vốn tối đa là 36 tháng; lãi suất 1,2%/năm.

3,6 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn với tổng 67.950 tỷ đồng

Thực hiện chủ trương công bằng xã hội, quan tâm đến mọi người dân, “không bỏ ai lại phía sau” của Đảng và Nhà nước

Tính đến thời điểm ngày 4/9/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân cho vay chương trình với dư nợ đạt 745 tỷ đồng. Nguồn vốn vay đã được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân tới hơn 70.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị điện tử, qua đó hỗ trợ học sinh, sinh viên có đủ điều kiện tiếp tục học tập trực tuyến khi bị mắc COVID-19 trong giai đoạn vừa qua, đồng thời hỗ trợ học sinh, sinh viên học tập hiệu quả trong môi trường lớp học đang dần được công nghệ hóa, số hóa; góp phần thực hiện đúng chủ trương công bằng xã hội, quan tâm đến mọi người dân, “không bỏ ai lại phía sau” của Đảng và Nhà nước.

Cũng theo Bộ Tài chính, ngân sách Nhà nước luôn ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác giáo dục và đào tạo. Với quan điểm: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân”, trong khi nguồn lực ngân sách nhà nước còn gặp nhiều khó khăn, hằng năm, Quốc hội, Chính phủ luôn ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo, đảm bảo tỷ lệ tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Sự ưu tiên này được nêu rõ trong Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế: “Ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách” và Điều 96 Luật Giáo dục số 43/2019/QH14: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước”.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm