Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng
Lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo sẽ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nhiều công nghệ hiện đại nhằm góp phần thực hiện Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành công thương đến năm 2030.
Bộ Công Thương vừa có Quyết định số 2795/QĐ-BCT ngày 30/10/2023 ban hành Chiến lược khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành công thương đến năm 2030.
Về mục tiêu tổng quát, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển ngành công thương, thực hiện tái cấu trúc công nghiệp và thương mại giai đoạn 2021 – 2030; thực sự trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh cao, khả năng tự chủ, thích ứng, chống chịu tốt, trình độ công nghệ tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng; góp phần tích cực phát triển thương mại theo hướng hiện đại, tăng trưởng nhanh và bền vững, phát huy lợi thế khai thác và khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do gắn với nâng cao uy tín, chất lượng hàng Việt Nam.
Về định hướng nhiệm vụ chủ yếu, đáng chú ý trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo: nghiên cứu đổi mới, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị về nguồn điện và lưới điện nhằm nâng cao hiệu suất, tiết kiệm năng lượng, giảm giá thành sản xuất – cung ứng điện và bảo vệ môi trường.
Nghiên cứu phát triển công nghệ nhà máy điện đốt than hiệu suất cao (sử dụng thông số hơi USC và A-USC)… Nghiên cứu các giải pháp đốt kèm (Biomass, NH3, H2) trong các nhà máy điện đốt than, khí để giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường.
Nghiên cứu về lưới điện thông minh, tích hợp nguồn năng lượng tái tạo vào lưới điện sẵn có cũng như nguồn phân tán… trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo…
Nghiên cứu phát triển và đưa vào sử dụng các công nghệ điều khiển hiện đại để đảm bảo vận hành tối ưu hệ thống điện; hiện đại hóa hệ thống điều độ, vận hành, thông tin liên lạc, điều khiển và tự động hóa phục vụ điều độ lưới điện trong nước và liên kết khu vực; ứng dụng các công nghệ hiện đại như: công nghệ hạ tầng hội tụ, công nghệ điện toán đám mây, công nghệ ảo hóa, trí tuệ nhân tạo, công nghệ xử lý dữ liệu lớn, công nghệ mobile computing, công nghệ IoT… bảo đảm an toàn và an ninh thông tin.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ đo đếm tiên tiến – thông minh (smart metering) để theo dõi sử dụng điện của khách hàng, chống thất thoát trong kinh doanh điện, phục vụ nghiên cứu dự báo phụ tải và các yêu cầu của quản lý điều hành; sử dụng công nghệ công tơ đọc dữ liệu, thu nhận dữ liệu từ xa; tự động hóa lưới điện phân phối gắn với dịch vụ khách hàng và quản lý nhu cầu…
Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ thu hồi, lưu trữ và sử dụng CO2 trong lĩnh vực năng lượng (CCS, CCUS…) để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, đáp ứng cam kết của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 (COP26).
Nghiên cứu ứng dụng, phát triển công nghệ chế tạo thiết bị năng lượng và ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh, tiết kiệm năng lượng. Nghiên cứu phát triển, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo: mặt trời, gió, pin tích trữ năng lượng… nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch; mở rộng ứng dụng công nghệ phát điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn. Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, thử nghiệm công nghệ khai thác năng lượng địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, năng lượng hydro.
Tiến Đạt