Đằng sau lời đề nghị thâu tóm Twitter với giá 43 tỷ USD của Elon Musk là cả một nghệ thuật
"Tôi chẳng quan tâm đến hiệu quả kinh tế của nền tảng ấy cho lắm", Elon Musk nói về Twitter tại hội thảo của TED tại Vancouver.
Theo tờ Vox, câu chuyện Elon Musk ngỏ ý chi 43 tỷ USD để mua lại Twitter có ý nghĩa khá sâu xa hơn chỉ là lợi nhuận. So sánh với những trang mạng xã hội khác, Twitter khá kém tiếng. Trang mạng này chưa đạt nổi 1 tỷ người dùng như Facebook, đồng thời cũng có số người truy cập hàng ngày chỉ bằng 1/11 so với mạng xã hội của Mark Zuckerberg.
Mảng quảng cáo của Twitter cũng chẳng thể độ nổi Youtube của Google khi doanh số chỉ bằng 1/5 so với đối thủ trong quý vừa qua.
Tờ Vox nhận định nguyên nhân chính Elon Musk mua Twitter không phải vì lợi nhuận mà là vì sức ảnh hưởng. Điều này cũng tương tự như Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo dựng được tiếng nói của mình qua Twitter thay vì những kênh truyền thông truyền thống. Việc Cựu Tổng thống Trump tự do phát biểu trên Twitter cho đến khi bị khóa tài khoản đã cho thấy sức mạnh cực kỳ to lớn của mạng xã hội này với nước Mỹ.
Đối với những người nổi tiếng, chính trị gia hay người cần tạo dựng sức ảnh hưởng ở Mỹ, mạng xã hội Twitter là một nền tảng cực kỳ hữu dụng để truyền tải tiếng nói mà không cần phải lấy lòng báo chí hay các kênh truyền thông.
Trong buổi hội thảo mới đây của TED tại Vancouver, Elon Musk đã thẳng thắn thừa nhận lý do mình muốn mua Twitter là: "Tôi cho rằng việc có một nền tảng công cộng được người dân tin tưởng và độ phủ sóng rộng rãi là điều cực kỳ quan trọng cho xã hội trong tương lai. Và tôi chẳng quan tâm đến hiệu quả kinh tế của nền tảng ấy cho lắm."
Rõ ràng, với lời biện hộ bảo vệ quyền tự do ngôn luận hay bất cứ thứ gì tương tự cho văn minh nhân loại, Elon Musk đã ngỏ ý muốn kiểm soát Twitter và nhà sáng lập Tesla chẳng quan tâm đến hiệu quả lợi nhuận của chúng là mấy. Cái mà tỷ phú Elon Musk hướng tới là sức mạnh mềm mà Twitter đang có với nước Mỹ.
Giá trị vô hình
Theo nhiều chuyên gia, giá trị của Twitter với những tỷ phú như Musk cao hơn nhiều so với các con số về doanh thu quảng cáo hay giá cổ phiếu. Mạng xã hội này vốn nổi tiếng có nhiều người dùng quyền lực, giàu có hay có tiếng nói sử dụng làm công cụ truyền tải thông điệp đến người dân Mỹ hơn so với Facebook, Instagram hay Youtube.
Sau khi bị khóa tài khoản, Cựu Tổng thống Trump đã cố gắng xây dựng một nền tảng mạng xã hội khác làm nơi truyền tải thông điệp nhưng thất bại trong việc tạo sức hút như đã làm ở Twitter. Bởi vậy có thể thấy sức mạnh mềm mà Twitter đem lại giá trị hơn nhiều so với doanh thu quảng cáo hay giá cổ phiếu nếu đem so sánh với Facebook hay Google.
Quay trở lại câu chuyện của Elon Musk, nhà sáng lập này đã rất nhiều lần gây sóng gió vì các bài đăng trên Twitter, từ việc khen tiền số, khảo sát để bán bớt cổ phiếu Tesla đóng thuế cho đến bày tỏ các quan điểm gây chao đảo thị trường.
Với việc ngày càng nhiều người nổi tiếng như Musk hoành hành trên Twitter, trang mạng xã hội này đang cố cân bằng lại giữa việc duy trì chính sách tự do ngôn luận và rủi ro lan truyền tin giả hay các thông tin gây ảnh hưởng tiêu cực. Đương nhiên, những người nổi tiếng như Musk không thích điều này và việc sở hữu Twitter sẽ đem lại lợi ích cho ông hơn.
"Twitter nên tuân thủ luật pháp, thế nhưng nếu các bài đăng nằm ở ranh giới giữa đúng và sai thì tôi cho rằng nên giữ các bài đăng đó lại", Elon Musk nói khi ủng hộ những bài viết gây tranh luận.
Có một thực tế trớ trêu là nếu những công ty lớn như Facebook hay Apple cố mua lại Twitter thì họ sẽ gặp khó khăn từ các đạo luật bảo vệ quyền lợi của người dùng, an toàn thông tin cá nhân... Thế nhưng nếu tỷ phú Musk mua Twitter thì lại chẳng có đạo luật nào ngăn cản dù chúng có thể trở thành công cụ hữu hiệu cho nhà sáng lập này.
*Nguồn: Vox
https://cafebiz.vn/dang-sau-loi-de-nghi-thau-tom-twitter-voi-gia-43-ty-usd-cua-elon-musk-la-ca-mot-nghe-thuat-20220419105949636.chn