A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cơ hội hình thành ngành công nghiệp bán dẫn "make in Việt Nam"

Tại Việt Nam, đã có những dự án FDI sản xuất chip, linh kiện và vật liệu bán dẫn. Đặc biệt, một số các nhà đầu tư đã bắt đầu mở rộng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.

 

Ảnh minh họa

Khó khăn về ngành sản xuất chip, linh kiện và vật liệu bán dẫn đã diễn ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội cho Việt Nam khi đang là điểm đến của nhiều tập đoàn chip hàng đầu thế giới.

Nhiều "ông lớn" có kế hoạch sản xuất chất bán dẫn và chip tại Việt Nam

Theo TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), trong thời gian qua, dịch COVID-19 diễn ra phức tạp và các cuộc xung đột thương mại kéo dài đã làm đứt gãy nguồn cung ứng chất bán dẫn.

Nhiều ngành công nghiệp sử dụng chất bán dẫn như điện thoại thông minh, ô tô tự lái, thậm chí cả công nghệ trí tuệ nhân tạo hay trung tâm dữ liệu tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới buộc phải giảm sản lượng.

Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia lớn như Mỹ, châu Âu, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc … đều đang trong cuộc đua cạnh tranh để sản xuất chất bán dẫn và chip.

Cơ hội hình thành ngành công nghiệp bán dẫn make in Việt Nam - Ảnh 1.

TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

"Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kế hoạch triển khai chương trình trị giá 50 tỷ USD để hỗ trợ sản xuất chip nội địa và mở rộng nghiên cứu trong lĩnh vực này. Tại Trung Quốc, các chính quyền địa phương đã tăng gấp đôi ưu đãi tài chính, ban hành chính sách hỗ trợ các công ty sản xuất bán dẫn phát triển" ông Mại chia sẻ.

Đặc biệt, khi Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách "zero COVID-19", cuộc đua bán dẫn toàn cầu đang nóng lên và xu thế chuyển dịch chuỗi giá trị đang diễn ra ngày một nhanh hơn.

Nằm trong xu hướng này, Việt Nam tiếp tục trở thành tâm điểm của ngành bán dẫn khi Samsung tuyên bố kế hoạch sản xuất linh kiện bán dẫn từ tháng 7 năm sau với số vốn đầu tư thêm là 920 triệu USD.

Việt Nam còn là nơi đặt nhà máy lắp ráp và kiểm định lớn nhất của Intel với mức đầu tư 1,5 tỷ USD.

Ngoài ra, nhiều công ty bán dẫn lớn của thế giới cũng đang đặt nhà máy tại Việt Nam, như USI Electronics của Đài Loan (Trung Quốc) hay Renesas Electronics của Nhật Bản.

Tập đoàn chip khổng lồ Synopsys của Mỹ cũng mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Synopsys đang chuyển đầu tư và đào tạo kỹ sư sang Việt Nam để tái cân bằng hoạt động trong bối cảnh cuộc chạy đua công nghệ Trung - Mỹ đang diễn ra gay gắt.

Nhìn nhận về sự chuyển dịch này, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tại Việt Nam, đã có những dự án FDI sản xuất chip, linh kiện và vật liệu bán dẫn. Đặc biệt, một số các nhà đầu tư đã bắt đầu mở rộng sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.

"Qua tiếp xúc, chúng tôi thấy rằng các doanh nghiệp này khả năng đầu tư nhiều tỷ USD vào Việt Nam" ông Hoàng dự đoán.

 

Cơ hội hình thành ngành công nghiệp bán dẫn make in Việt Nam - Ảnh 2.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Phân tích cụ thể, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2022, giải ngân FDI đạt 17,45 tỉ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021, đây là con số cao nhất trong 5 năm qua.

Trong số giải ngân này, ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 65%, mà trong phần lớn ngành công nghiệp chế biến chế tạo lại là ngành công nghiệp điện tử công nghệ cao, sản xuất chip và các linh kiện sản xuất chip. Điều này cho thấy Việt Nam đã bắt đầu dần đần hình thành hệ sinh thái của sản xuất chất bán dẫn, sản xuất chip

"Đây là nguồn vốn giải ngân vừa nhiều, vừa chất lượng theo đúng chủ trương thực hiện hóa Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút nguồn vốn FDI’ ông Hoàng nhấn mạnh.

Cơ hội nào cho sản xuất chất bán dẫn, chip "Make in Vietnam?

Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài cho biết, nhiều năm qua, Việt Nam ngày càng được đánh giá cao với các nhà đầu tư do có môi trường chính trị ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh và nhiều luồng gió hấp dẫn khác. Trong đó, việc ưu đãi miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút FDI vào Việt Nam.

Tuy nhiên, về lâu dài loại thuế này đang đứng trước nguy cơ không còn là lợi thế với các quốc gia là trung tâm sản xuất của thế giới như Việt Nam. Bởi, thuế tiêu thụ toàn cầu áp dụng vào năm 2023 có nguy cơ làm vô hiệu hóa những ưu đãi của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới đã và đang có hướng xử lý đảm bảo quyền lợi hài hòa của Nhà nước và nhà đầu tư.

"Chính phủ Việt Nam đang quan tâm chỉ đạo để có ứng xử hài hòa, phù hợp. Hiện chúng tôi đang nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm các nước, để không vi cam kết luật quốc tế mà vẫn đảm bảo quyền lợi nhà nước và nhà đầu tư và giữ chân nhà đầu tư" ông Hoàng chia sẻ.

Đại diện cho Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, theo ông Hong Sun, Phó Chủ tịch, Hàn Quốc là đất nước sản xuất chip hàng đầu thế giới, từ sản xuất chip này sẽ dẫn tới phát triển sang lĩnh vực khác như sản xuất ô tô, điện thoại...

Tuy vậy, để thu hút các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, ngoài môi trường kinh doanh ổn định, nhiều ưu đãi, thì điều doanh nghiệp mong muốn là có nguồn điện sản xuất dồi dào và ổn định.

 

Cơ hội hình thành ngành công nghiệp bán dẫn make in Việt Nam - Ảnh 3.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam

"Sản phẩm chip hay chất bán dẫn đều là những sản phẩm có giá trị rất cao. Trong quá trình sản xuất, nếu mất điện đột ngột thì dây chuyền sản xuất sẽ phải làm lại hoàn toàn và phải mất từ một tuần đến vài tháng. Điều này sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp lên hàng tỷ USD. Nếu địa phương không có nguồn điện đầy đủ và ổn định thì rất khó có thể thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực này", ông Hong Sun nêu rõ.

TSKH Nguyễn Mại cho biết, khảo sát gần đây nhất của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, Việt Nam là điểm đến của các doanh nghiệp Nhật Bản, chỉ đứng sau Mỹ.

Ngoài môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, thì những yêu cầu của các doanh nghiệp FDI trong điều kiện mới, kể cả những lĩnh vực công nghệ đầu tư cao, công nghiệp hiện đại thì Việt Nam đều đã đáp ứng tốt

Tuy vậy, ông Mại lưu ý, Việt Nam không được ngủ trên những thành tựu đạt được, không được ngủ trên những nhận định tốt đẹp của các doanh nghiệp FDI mà cần đánh giá đúng những điểm nghẽn trong thu hút FDI, như hạ tầng cơ sở giao thông hay mạng lưới thông tin.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định phải giải bài toán về giao thông, không những về đường bộ mà làm thêm sân bay để tạo ra động lực tăng trưởng vùng miền núi.

"Trên thực tế, Việt Nam cũng đã có quy hoạch toàn quốc về cảng biển, làm sân bay Long Thành, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Nội Bài để dần kết nối thành mạng lưới giao thông vận tải. Tuy vậy, chúng ta cần phải triển khai nhanh, hiệu quả, không để xảy ra mất mát, tham nhũng và đưa nhanh vào sử dụng thì tạo ra điểm nhấn trong các nhà đầu tư FDI" ông Mại khuyến nghị.

TSKH Nguyễn Mại cũng cho rằng, nếu Việt Nam tham gia được vào nền công nghiệp bán dẫn thì sẽ tạo những cú hích rất lớn là tăng giá trị gia tăng và tạo ra tính lan tỏa.

Tại Việt Nam, có rất nhiều doanh nghiệp trong nước lớn có uy tín như Viettel, VNPT, Vingorup đã đi vào ngành công nghiệp lớn như ô tô hay điện tử. Các doanh nghiệp này sẽ tiếp nhận được công nghệ làm bán dẫn, từ đó sẽ có được đội ngũ chuyên gia trực tiếp sản xuất tại Việt Nam làm việc cho nước ngoài.

"Các chuyên gia này chắc chắc sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào quá trình sản xuất, để hình thành các dự án với công nghệ bán dẫn make in Việt Nam", ông Mại kỳ vọng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm