A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cùng cộng đồng bảo tồn rùa biển

Rùa biển là một trong những nhóm sinh vật cổ xưa nhất trên trái đất, xuất hiện cách đây khoảng 100 - 150 triệu năm. Trải qua hàng loạt các biến cố thay đổi điều kiện tự nhiên của Trái đất, trong khi phần lớn các loài bò sát trong đó có khủng long đã bị tuyệt chủng thì rùa biển vẫn còn tồn tại đến ngày nay.

Tại Việt Nam, có 5 loài rùa biển được biết đến bao gồm Vích, Đồi mồi, Đồi mồi dứa, Quản đồng và Rùa da. Số lượng của các loài rùa này đang ngày càng giảm mạnh và tất cả các loài này đều được liệt kê trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) và thuộc danh sách những loài động vật hoang dã đang gặp nguy hiểm cần được ưu tiên bảo vệ theo Nghị định số 160/2013/ND-CP.

* 10 năm bảo tồn rùa biển

Theo một nghiên cứu do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế và Viện Nghiên cứu Môi trường biển thực hiện, số lượng rùa biển đẻ trứng tại Việt Nam đã giảm từ 10.000 cá thể mỗi năm vào những năm 1980 xuống còn 450 cá thể vào năm 2019. Hầu hết rùa đẻ trứng tập trung ở Côn Đảo (hơn 400 cá thể một năm) và đều là Vích. Một khảo sát do Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế thực hiện năm 2017 tại vùng biển các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Trung cho thấy, Đồi mồi và Rùa da được xác nhận biến mất ở những vùng biển này.

Nguyên nhân dẫn đến suy giảm số lượng rùa biển là hoạt động khai thác quá mức các bãi đẻ của rùa, nhận thức của cộng đồng còn kém dẫn đến tình trạng đánh bắt, buôn bán bất hợp pháp rùa biển và các sản phẩm làm từ rùa khiến rùa mất sinh cảnh, nguồn thức ăn và suy giảm chất lượng môi trường sống. Cùng với đó, rạn san hô và thảm cỏ biển tại các vùng biển ở Việt Nam đang bị suy thoái nhanh. Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương cũng là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến rùa biển.

Trong vòng đời của mình, rùa biển phải đối mặt với nhiều mối đe dọa, trong đó có nguy cơ từ hoạt động đánh bắt thủy sản. Nếu hoạt động đánh bắt diễn ra dày đặc, rùa biển có thể bị dính lưới và chết đuối. Dù sống dưới nước nhưng khi bị mắc kẹt trong lưới khoảng 2-6 giờ, rùa biển vẫn sẽ bị mất oxy và chết. Ngoài ra, 90% rùa con ăn phải rác thải nhựa vì tưởng các mảnh nhựa là phù du hoặc thực vật, dẫn đến bị tắc ruột và chết. Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao 1.000 rùa con được nở ra thì chỉ có 1 con sống sót, trưởng thành và sau đó quay lại bãi đẻ.

Bảo tồn rùa biển là một trong những hoạt động của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế. Từ năm 2014, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế đã triển khai chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển tại nhiều Vườn Quốc gia, khu bảo tồn, bắt đầu từ Côn Đảo, sau đó mở rộng ra những nơi khác như Vườn Quốc gia Núi Chúa, Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị và tầm quan trọng của rùa biển; đào tạo đội ngũ tình nguyện viên có hiểu biết và kỹ năng, có thể giúp đỡ cán bộ chuyên môn tại các khu bảo tồn rùa biển. Đồng thời, hỗ trợ bảo vệ sinh cảnh làm tổ và các tổ trứng; san lấp, vệ sinh bãi đẻ; di dời các tổ trứng đến nơi an toàn, thu gom rác tại các bãi biển...; tăng cường năng lực cho các khu bảo tồn rùa biển.

* Mỗi tình nguyện viên là một “Đại sứ rùa biển”

Bà Bùi Thị Thu Hiền, phụ trách Chương trình biển và vùng bờ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam cho biết, Liên minh coi rùa biển là một loài biểu tượng để nêu bật các vấn đề liên quan tới bảo vệ môi trường biển, bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng, bắt đầu từ các tình nguyện viên. Mỗi tình nguyện viên sau đó sẽ trở thành “Đại sứ rùa biển”, giúp cộng đồng hiểu hơn về tầm quan trọng của công tác bảo tồn rùa biển nói riêng, bảo tồn môi trường biển và đa dạng sinh học nói chung.

Trong những năm đầu hoạt động, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế tại Việt Nam chủ yếu lựa chọn đối tượng tình nguyện viên là sinh viên. Tuy nhiên, về hiệu quả lan tỏa và truyền thông sau chương trình, sinh viên chỉ có thể tác động trong khu vực trường đại học. Do đó, những năm sau, Liên minh đã điều chỉnh, chỉ chọn khoảng 30% sinh viên, còn lại là tất cả những bạn trẻ làm việc trong nhiều lĩnh vực khác, độ tuổi từ từ 21 đến 50 bao gồm lao động tự do, truyền thông, nghệ sĩ, bác sĩ, kinh doanh…

Mười năm qua, chương trình tình nguyện viên bảo tồn rùa biển đã nhận được 12.000 lượt đăng ký tham gia, trong đó gần 1.000 người được lựa chọn. Fanpage của chương trình cũng có gần 30.000 người theo dõi. Chương trình thu hút sự quan tâm và đồng hành của rất nhiều bạn tình nguyện viên trên khắp cả nước, từ mọi độ tuổi, mọi ngành nghề khác nhau nhưng đều có chung một mục đích, một hướng đến là bảo vệ rùa biển, bảo vệ môi trường sống của rùa biển và bảo vệ môi trường. Bà Bùi Thị Thu Hiền nhận định, việc mở rộng đối tượng tham gia là lựa chọn đúng đắn. Mạng lưới tình nguyện viên đa dạng, mỗi tình nguyện viên có trải nghiệm riêng biệt, nhiều phạm vi chia sẻ, lan tỏa thông điệp hơn.

Với rất nhiều nỗ lực của Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên quốc tế cùng các tình nguyện viên, số lượng rùa mẹ về Vườn Quốc gia Côn Đảo đẻ trứng tăng đều sau từng năm, riêng năm 2023 đã có hơn 100.000 rùa con được ấp và thả về biển thành công.

Có 6 năm liên tục (từ năm 2018) là tình nguyện viên của chương trình bảo tồn rùa biển, với sự đồng hành của Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên quốc tế, tháng 6/2024, Nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà thực hiện dự án nghệ thuật “Phiêu”, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một triển lãm nghệ thuật với con số kỷ lục 1.001 rùa biển bằng gốm.

Triển lãm gồm cụm nghệ thuật sắp đặt với các tên gọi: “Đại dương tươi đẹp - Không gian thực tại - Tương lai”, “Dòng hải lưu”, “Xoáy ngầm”, “Bình minh - Hoàng hôn - Bóng đêm”, “Trở về”. Nghệ sĩ điêu khắc Cao Thanh Thà chia sẻ, trong 1.001 con rùa được trưng bày tại triển lãm, có 1.000 cá thể là rùa nhỏ mới được sinh ra và chỉ có 1 cá thể là rùa trưởng thành. Điểm đặc biệt của dự án này vừa nằm ở số lượng, vừa ở chất liệu và tạo hình. Tất cả là vật liệu gốm thân thiện môi trường và sử dụng ngôn ngữ điêu khắc để mô tả. Trong 1.001 con rùa, không con nào giống con nào, thể hiện sự đa dạng và đặc điểm riêng của rùa.

Nói về con số 1.001 con rùa trong triển lãm, nữ nghệ sĩ giải thích việc lựa chọn con số 1.001 là do tỷ lệ sống ngoài tự nhiên của rùa biển là 1/1.000. Cụ thể, trong 1.200 quả trứng chỉ nở ra được 1.000 con rùa con và trong số 1.000 con rùa đó chỉ có 1 con duy nhất sống sót được đến tuổi trưởng thành. Thông qua con số 1.001, nghệ sĩ Cao Thanh Thà muốn gửi gắm thông điệp nâng cao nhận thức của cộng đồng về đặc tính, nguy cơ tuyệt chủng của rùa biển; qua đó, kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ loài sinh vật này, cũng như môi trường biển nói chung.

Chia sẻ thêm về hoạt động bảo tồn rùa biển của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế, bà Bùi Thị Thu Hiền cho biết, để bảo tồn rùa biển hiệu quả, chúng ta cần hiểu hơn về đặc tính sinh học và đời sống của rùa. Những gì Liên minh đang triển khai bao gồm hỗ trợ tình nguyện viên và các vườn quốc gia nghiên cứu dữ liệu rùa biển, số lượng trứng rùa được đẻ theo mùa; nghiên cứu về bãi ấp cũng như tỷ lệ rùa con nở từ trứng. Bên cạnh đó, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế cũng tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục cùng các cơ quan quản lý nhà nước về việc đảm bảo điều kiện tốt nhất tại bãi rùa đẻ, thành lập các khu vực cấm đánh bắt theo. "Công tác bảo tồn cần sự chung tay của toàn bộ xã hội, không phải chỉ các nhà bảo tồn hoặc vườn quốc gia", bà Bùi Thị Thu Hiền khẳng định./.

Hoàng Vân


Tác giả: Nguyễn Hoàng Vân
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm