Thứ có thể giúp Nhật Bản thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc: Mỏ đất hiếm ở độ sâu 6.000m dưới đáy biển, thế giới đủ dùng trong hàng trăm năm
Nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc, từ năm 2024, Nhật Bản sẽ bắt đầu khai thác các loại vật liệu thiết yếu cho xe điện và xe hybrid này từ bùn dưới đáy biển sâu ở khu vực ngoài khơi đảo Minami-Torishima - một đảo san hô ở Thái Bình Dương cách Tokyo khoảng 1.900 km về phía đông nam.
Theo tờ Nikkei Asia, bùn giàu kim loại đất hiếm đã được tìm thấy dưới đáy biển ở độ sâu 6.000 m tại khu vực Minami-Torishima. Trữ lượng đất hiếm tại khu vực này ước tính lên tới hơn 160 triệu tấn, được cho là có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của cả thế giới trong hàng trăm năm.
Để đạt được điều đó, Nhật Bản trước tiên cần phát triển các công nghệ khai thác tài nguyên ở độ sâu 5.000 - 6.000 m. Và Tokyo có kế hoạch bắt đầu phát triển các công nghệ khai thác từ năm tới.
Kuroshio, hay Hải lưu Nhật Bản, được biết đến là một trong những hải lưu nhanh nhất thế giới, đi qua khu vực Minami-Torishima, cũng nằm trên đường đi của các cơn bão. Tờ Nikkei Asia dẫn lời các chuyên gia cho biết, có những rào cản công nghệ cao đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm khai thác tài nguyên từ các địa điểm dưới biển sâu trong điều kiện khắc nghiệt như vậy.
Theo các chuyên gia, khi khai thác dầu và khí đốt tự nhiên từ các vị trí dưới đáy biển, các mỏ chịu áp lực mạnh, đẩy dầu khí ra ngoài khi một lỗ khoan từ bề mặt chạm tới chúng. Tuy nhiên, bùn chứa kim loại đất hiếm không có ưu điểm này, nên cần có một số phương tiện để đưa nó lên bề mặt, chẳng hạn như máy bơm.
Để khai thác bùn chứa kim loại đất hiếm, cần có một số phương tiện để đưa nó lên bề mặt, chẳng hạn như máy bơm. Ảnh: 163.com
Quốc hội Nhật Bản đã thông qua khoản phân bổ 6 tỷ yên (44 triệu USD) cho dự án trong ngân sách bổ sung lần thứ hai cho năm tài khóa 2022 vừa được thông qua trong một phiên họp bất thường. Số tiền này sẽ được chi cho việc phát triển máy bơm và chế tạo đường ống dài tới 6.000 m để sử dụng trong quá trình khai thác thử nghiệm.
Công tác nghiên cứu để khai thác tài nguyên ở khu vực Minami-Torishima đang được tiến hành trong Chương trình Xúc tiến Đổi mới Chiến lược Liên Bộ của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Các nhà nghiên cứu đã thành công trong việc hút các trầm tích từ đáy biển sâu 2.470 m trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 9.
Đất hiếm là một thuật ngữ bao trùm đề cập đến 17 kim loại hiếm. Theo trang tin 163 của Trung Quốc, đất hiếm được mệnh danh là đất vạn năng, rất hữu ích trong các lĩnh vực năng lượng mới, hàng không vũ trụ và cả sản xuất đồ điện tử... là nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược hiếm có.
Trung Quốc hiện là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới. Sản lượng đất hiếm của nước này có thời điểm từng chiếm hơn 60% tổng sản lượng của thế giới.
Cho dù là Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu, đều có sự phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung đất hiếm của Trung Quốc. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở Nhật Bản do lãnh thổ có diện tích nhỏ và nguồn tài nguyên thiên nhiên hạn chế.
Theo tờ Nikkei Asia, Nhật Bản hiện đang dựa vào nguồn nhập khẩu cho gần như tất cả các nhu cầu đất hiếm của mình, trong đó 60% đến từ Trung Quốc. Các loại đất hiếm mà Nhật Bản nhập khẩu của Trung Quốc bao gồm: neodymium - một vật liệu thiết yếu được sử dụng trong sản xuất năng lượng gió, và dysprosium - được sử dụng trong động cơ xe điện.
Chiến lược An ninh Quốc gia mới được Nhật Bản công bố hôm 16/12 nêu rõ: "Nhật Bản sẽ hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào các quốc gia cụ thể, xây dựng các cơ sở sản xuất và phát triển chất bán dẫn thế hệ tiếp theo, đồng thời đảm bảo nguồn cung ổn định cho các hàng hóa quan trọng, bao gồm cả đất hiếm."
Chính phủ Nhật Bản hôm 20/12 đã công bố 11 lĩnh vực "vật liệu quan trọng được chỉ định", bao gồm cả đất hiếm, theo Luật Thúc đẩy An ninh Kinh tế được ban hành trong năm nay.