A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khi Nhật Bản cần lao động nhưng chẳng ai muốn đến

Mức lương không tăng trong suốt 30 năm khiến ngay cả những lao động trình độ thấp cũng chẳng còn mặn mà với Nhật Bản.

Khi Nhật Bản cần lao động nhưng chẳng ai muốn đến - Ảnh 1.

Hãng Fujiya-Nhật Bản là doanh nghiệp lâu đời chuyên sản xuất máy cắt. Thế nhưng để duy trì công ty này là một nhóm 8 người thợ Việt Nam đến thực tập theo chương trình thực tập sinh kỹ thuật (TITP) của chính phủ Nhật Bản.

“Chúng tôi không thể giữ được năng suất nếu thiếu những thực tập sinh nước ngoài như thế này. Công ty hiện rất khó tuyển dụng những thực tập sinh từ thị trường lao động trong nước”. Chủ tịch Yasunobu Nozaki của Fujiya thừa nhận.

Tờ Nikkei Asian Review cho biết Fujiya chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng phải phụ thuộc vào nguồn lao động nước ngoài để tồn tại. Riêng trong năm ngoái, Nhật Bản đã có đến 1,82 triệu lao động nước ngoài. Số lượng thực tập sinh không phải người bản địa ở đây đã đạt 343.000 người, cao gấp đôi so với cách đây 10 năm.

Khi Nhật Bản cần lao động nhưng chẳng ai muốn đến - Ảnh 2.

“Thực tập sinh kỹ thuật đã trở thành một phần quan trọng trong lực lượng lao động của chúng tôi. Nếu họ có thể ở lại lâu hơn thì thực tốt”, Chủ tịch Nozaki cho biết.

Khát nhân lực

Với dân số lão hóa nhanh, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang dần khát nhân lực nước ngoài hơn bao giờ hết, từ các ngành kỹ thuật, dịch vụ cho đến cả những mảng chẳng cần trình độ gì như thu thập nông sản.

Tổng dân số 124 triệu người của Nhật Bản dự kiến sẽ giảm 30% vào năm 2070. Số liệu chính thức cho thấy tỷ lệ sinh bình quân trên mỗi phụ nữ tại nước này đã xuống mức thấp kỷ lục 1,26 trẻ/phụ nữ năm 2022. Số trẻ em được sinh ra trong năm ngoái đã xuống dưới ngưỡng 800.000 bé lần đầu tiên trong lịch sử.

“Cần phải thừa nhận rằng lao động nước ngoài có thể phát huy tối đa tiềm năng và góp phần giảm bớt tình trạng thiếu lao động của Nhật Bản. Để làm được điều đó thì chính phủ nên chấp nhận công dân nước ngoài như một thành viên của nền kinh tế địa phương”, đề xuất của một hội đồng chuyên gia chính phủ gửi lên vào tháng 5/2023 nêu rõ.

Nhận thức được tình hình, chính phủ Nhật Bản đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ, ví dụ như chương trình TITP từ năm 1993 để thu hút lao động tay nghề cao. Bên cạnh đó là những chương trình giảm thuế, nới lỏng visa cùng hàng loạt các chính sách ưu đãi khác.

Hiện chỉ có 1% nhân lực có trình độ cao ở Nhật Bản là người nước ngoài, thấp hơn nhiều so với con số 23% tại Anh và 16% ở Mỹ.

Khi Nhật Bản cần lao động nhưng chẳng ai muốn đến - Ảnh 3.

Ngay cả những ngành chẳng cần trình độ ở Nhật Bản cũng đang khát nhân lực

Thế nhưng, văn hóa lao động khắc nghiệt, làm việc đến chết cùng mức lương thấp đang khiến Nhật Bản tụt lại phía sau. Chương trình TITP của Nhật Bản vốn đem lại nguồn nhân lực nước ngoài quan trọng cho nhiều doanh nghiệp như Fujiya thì lại đang trở thành tâm điểm chỉ trích khi tạo điều kiện cho nhiều lao động đến Nhật Bản bỏ trốn.

Năm 2021, khoảng 7.100 thực tập sinh kỹ thuật tại Nhật Bản đã tự ý rời bỏ doanh nghiệp mà không thông báo để tìm kiếm cơ hội việc làm tốt hơn dù trái luật.

Kém hấp dẫn

Nhật Bản đang lên kế hoạch cấp visa 2 năm cho bất kỳ sinh viên tốt nghiệp top 100 trường đại học trên thế giới đến nơi đây làm việc. Động thái cấp visa cho những sinh viên mới ra trường đang thất nghiệp cho thấy cơn khát nhân lực của Nhật Bản đến mức nào.

Tuy nhiên kinh tế giảm tốc, đồng Yên yếu và mức lương chẳng mấy thay đổi hơn 30 năm qua khiến ngay cả sinh viên mới tốt nghiệp cũng ngại ngần đến nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này.

“Sinh viên càng tốt nghiệp trường danh giá thì họ lại càng không muốn đến Nhật Bản”, chuyên gia Keisuke Yoshida của Trung tâm TL, chuyên tìm kiếm sinh viên tài năng đến Nhật Bản làm việc, ngậm ngùi.

Khi Nhật Bản cần lao động nhưng chẳng ai muốn đến - Ảnh 4.

“Nhật Bản là quốc gia phát triển đang khao khát nhân lực trình độ cao, nhưng mức lương thấp lại khiến chẳng mấy ai mặn mà”, chuyên gia kinh tế Hiashi Yamada của Viện nghiên cứu JRI đồng tình.

Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho thấy mức lương bình quân tại Nhật Bản chỉ tăng 3% trong khoảng 2001-2021, thấp hơn quá nhiều so với 40% ở Hàn QUốc, 29% của Mỹ trong cùng kỳ.

Số liệu của Levels.fyi thì chỉ ra mức lương bình quân của một kỹ sư phần mềm tại Nhật năm 2022 thấp hơn đến 23% so với đồng nghiệp ở Singapore và 17% tại Seoul-Hàn Quốc.

Hậu đại dịch, vô số quốc gia cũng đang thiếu lao động và tăng cường thu hút nhân tài quốc tế. Singapore đã phát động chương trình visa mới năm 2022 nhằm thu hút nhân lực trình độ cao, cho phép những au có thu nhập ít nhất 22.000 USD/tháng có thể ở lại đất nước này đến 5 năm cũng như được phép làm nhiều nghề cùng lúc.

Thái Lan và Malaysia cũng đang gia hạn visa cho những lao động có trình độ ở mảng xe điện hay tài chính.

Báo cáo của OECD thì cho thấy New Zealand, Thụy Sĩ, Thụy Điển mới là các thị trường thu hút nhân lực trình độ cao chứ không phải Nhật Bản. Những yếu tố như tiêu chuẩn giáo dục quốc tế, dễ dàng xin trở thành công dân cho con cái cũng như việc giao tiếp được bằng tiếng Anh đều thu hút các nhân tài nước ngoài đến những nước này làm việc.

Tờ Nikkei thậm chí nhận định nhiều lao động trình độ thấp ở các nước mới nổi như Việt Nam, nơi mức lương bình quân đã gia tăng nhiều năm qua, cũng bắt đầu giảm hứng thú với Nhật Bản.

“Nếu mức lương còn giữ nguyên như 2-3 năm trước thì sẽ rất khó để ổn định được nguồn nhân lực. Chúng tôi phải luôn nhắc nhở các doanh nghiệp rằng nếu bạn muốn duy trì nguồn lao động chất lượng tốt thì phải trả nhiều tiền hơn nữa”, giám đốc Kaori Akiyama của Liên hiệp JAYEA chuyên tìm kiếm thực tập sinh kỹ thuật cho Nhật Bản, cảnh báo.

Đồng quan điểm, chuyên gia Yoshida của TL nhận định các doanh nghiệp Nhật Bản hiện nay vẫn không chịu thay đổi văn hóa lao động và tuyển dụng. Nhiều sinh viên nước ngoài nhận thấy việc phải đáp ứng trình độ tiếng Nhật N1 (Mức cao nhất trong bài thi ngôn ngữ tiếng Nhật) đều cảm thấy nản lòng, không phù hợp và từ bỏ việc đến quốc gia này làm việc.

Khi Nhật Bản cần lao động nhưng chẳng ai muốn đến - Ảnh 5.

Trong khi đó, văn hóa làm việc đến chết cùng mức lương không tương xứng càng khiến nhiều lao động thay vì đến Nhật Bản lại lựa chọn những thị trường khác cũng cần nhân lực chẳng kém.

Tệ hơn, việc Nhật Bản thiếu những trường học quốc tế, dịch vụ giao tiếp được bằng tiếng Anh so với Singapore hay Hàn Quốc càng khiến đất nước này kém hấp dẫn hơn trong mắt lao động nước ngoài.

“Vấn đề ở đây là Nhật Bản thiếu kinh nghiệp làm việc với người nước ngoài so với những thị trường khác. Sự cứng nhắc về văn hóa truyền thống trong tư tưởng mọi người trở thành rào cản quá lớn. Đây không phải là vấn đề về thủ tục gia hạn visa mà là sự cố hữu trong suy nghĩ”, chuyên gia Yamada của Viện JRI tổng kết.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm