Xuất khẩu bứt tốc, vĩ mô ổn định, lạc quan tăng trưởng
Kinh tế trưởng VinaCapital, Michael Kokalari nhận định, Việt Nam có khả năng tốt trong chống chọi với việc FED tăng lãi suất và các rủi ro toàn cầu.
Xuất khẩu bứt tốc
Xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm nay hồi phục rõ nét, các nhóm hàng chủ lực đều duy trì đà tăng trưởng cao, quy mô xuất khẩu cũng tăng lên.
Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm đạt hơn 22,3 tỷ USD, tăng gần 18% so cùng kỳ, từng bước phục hồi sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, việc các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc),… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch; rồi là lạm phát tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU và diễn biến phức tạp của xung đột Nga-Ukraine khiến chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20-25%.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần được hỗ trợ bằng việc cắt giảm các loại thuế phí, được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để doanh đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu hàng hóa.
Cùng với dệt may, xuất khẩu cá tra cũng tăng trưởng ở hầu hết thị trường, mang về 1,4 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, xuất khẩu cá tra năm nay có thể đạt 2,5 - 2,6 tỷ USD, tăng 56 - 65% so với năm ngoái và thiết lập kỷ lục mới.
Với cà phê, một trong 13 mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam đã bứt tốc nhờ tác động của Hiệp định EVFTA. Xuất khẩu cà phê sang EU đang có tín hiệu khởi sắc.
Theo báo Công Thương, cà phê sẽ là mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022, nhất là khi các nước châu Âu như Đức, Bỉ, Italy đang ngày càng ưa chuộng cà phê Việt Nam.
Việt Nam còn nhiều dư địa đẩy mạnh xuất khẩu khi EU đã cam kết bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam trong đó có cà phê. EU hiện là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.
Những thông tin tích cực về xuất khẩu hàng dệt may, xuất khẩu con cá tra hay cafe....đã phần nào cho thấy sự tăng trưởng ổn định của khu vực nông nghiệp, công nghiệp. Khu vực dịch vụ cũng nhìn thấy sự phục hồi tích cực, đặc biệt là du lịch. Thực tế này sẽ giúp tăng trưởng tiếp tục cải thiện.
Theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Trần Đình Thiên bình luận mặc dù áp lực lạm phát rất lớn nhưng không vì thế mà sợ lạm phát vọt lên cao. Với tính kỷ luật cao trong điều hành, chúng ta đã kiểm soát lạm phát rất tốt, giữ được vĩ mô ổn định. Việt Nam đang ở vị thế tốt để phục hồi nên cần tận dụng thời cơ này để hỗ trợ các doanh nghiệp đang còn yếu đứng dậy.
Ưu tiên số 1 là kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô
Cách đây ít ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất thêm 0,75%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 4 trong năm nay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ, gây áp lực lên nhiều quốc gia đang phát triển và xuất khẩu đến Mỹ trong đó có Việt Nam.
Tuần qua, khi họp với lãnh đạo một số bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh, nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng, khi độ mở của nền kinh tế lớn với quy mô xuất nhập khẩu tương đương khoảng 200% GDP, một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô
Trước tình hình thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung theo dõi sát tình hình, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; nâng cao năng lực phân tích, dự báo; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp kịp thời cả trước mắt và lâu dài; chủ động phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, khoa học, hiệu quả, không vì thủ tục, giấy tờ hành chính mà chậm trễ trong xử lý các vấn đề đặt ra.
Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả; điều hành tỉ giá, lãi suất ổn định hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, chống đôla hóa, vàng hóa; bảo đảm tăng trưởng tín dụng phù hợp theo hướng tập trung cho sản xuất kinh doanh,các lĩnh vực ưu tiên.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục rà soát, giảm thuế, phí, lệ phí, các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế?
Theo dự báo của Ngân hàng Standard Chartered về tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý 3 và 3,9% trong quý 4. Tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 6,7%.
Sở dĩ, lạm phát trong tầm kiểm soát, là bởi Việt Nam đã liên tục giảm giá xăng dầu (khoảng 20%) kể từ đầu tháng này sau nhiều lần tăng liên tục. Chính phủ cũng đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu xăng dầu từ mức 20% về 10%.
Tạp chí Kinh tế Việt Nam bình luận về những dự báo lạc quan xung quanh mức tăng trưởng GDP là do quá trình phục hồi kinh tế đang mang đến những tín hiệu lan tỏa. Quá trình hồi phục của nền kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ trong nửa cuối năm, đặc biệt khi lĩnh vực du lịch đã được mở cửa trở lại sau 2 năm đóng cửa".
Còn theo báo Tiền phong, hiện có nhiều thứ khá lạc quan khi kịch bản lạm phát sẽ trong vòng kiểm soát 4%. Hai kịch bản lạm phát đã được nhà điều hành xây dựng.
Trong kịch bản 1, kinh tế vĩ mô ổn định, dự báo CPI bình quân cả nước sẽ dưới 4%. Ở kịch bản 2, nếu giá hàng hóa thế giới vẫn tăng, thì khả năng CPI bình quân cả năm sẽ vượt 4%.
Để kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm, với thị trường, cơ quan chức năng cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, không đồng thời tăng giá các mặt hàng trong bối cảnh hiện nay. Ngoài ra, cần chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng đột biến.
Từ tầm nhìn vĩ mô của nền kinh tế, chính sách tài khóa và tiền tệ vẫn phải tiến hành song song. Theo đó, tiền phải vào sản xuất, vào đầu tư công, thì GDP mới tăng trưởng, người lao động mới có công ăn việc làm, có thu nhập.
Nhiều tổ chức quốc tế có cùng quan điểm về những dự báo lạc quan về kinh tế Việt Nam
Với kết quả 6 tháng khả quan, nhiều tổ chức gần đây đều điều chỉnh tăng (hoặc ít nhất là giữ nguyên) dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam. Mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong khoảng 6 - 6,5% cho năm nay, trong đó, không ít kỳ vọng sẽ còn cao hơn, ở mức 7-7,5%
Kinh tế trưởng VinaCapital, Michael Kokalari nhận định, Việt Nam đang có khả năng chống chọi với việc FED tăng lãi suất và các rủi ro toàn cầu tốt hơn một số thị trường mới nổi và cận biên khác.
Đây là kết quả của các chính sách đã được Chính phủ Việt Nam kiên trì thực hiện trong suốt thập niên qua nhằm cân bằng giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế. Dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ đạt mức trung bình 3,5% trong năm nay, trái ngược với mức lạm phát cao đang bủa vây các quốc gia ASEAN mới nổi.