Xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa, con người Bình Thuận
Ngày 17/6, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh về “Chuẩn mực văn hóa, gia đình, con người Bình Thuận gắn với các hệ giá trị văn hóa, gia đình và con người Việt Nam thời kỳ mới”.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bình Thuận có 35 dân tộc cùng chung sống. Mỗi dân tộc đều có các đặc trưng văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội, nghề thủ công truyền thống riêng… Các đặc trưng đó cấu thành nên các giá trị văn hóa vừa mang tính đa lớp, vừa hàm chứa tính đa diện; vừa có quan hệ mật thiết, nhiều yếu tố tương đồng và thống nhất với văn hóa các tỉnh miền Trung, vừa bị tác động, chi phối, ảnh hưởng, tích hợp, giao lưu văn hóa với các dân tộc tại chỗ… Qua đó tạo cho văn hóa truyền thống những diện mạo, sắc thái, đặc trưng mang giá trị độc đáo riêng và dễ nhận biết.
Ông Bùi Thế Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Người Bình Thuận nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung đều hình thành nên những giá trị văn hóa truyền thống quý báu như truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường; coi trọng và xả thân vì quốc gia, cộng đồng; tính cần cù, chịu thương chịu khó, linh hoạt, sáng tạo trong lao động và sản xuất… Những giá trị đó đã tạo nên bản sắc văn hóa và trở thành một trong những nét đẹp truyền thống của người Việt, được xem là chuẩn mực giá trị về đạo đức, ứng xử, giao tiếp trong xã hội, dòng tộc, gia đình và cá nhân trong cộng đồng.
Bình Thuận hiện có hơn 300 di tích và 460 nghi lễ, lễ hội truyền thống gắn với sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo tâm linh của cộng đồng các dân tộc. Đến nay, toàn tỉnh có 28 Di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 49 Di tích xếp hạng cấp tỉnh; 4 Di sản Văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia (Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, huyện Bắc Bình; Lễ hội Cầu ngư tại Vạn Thủy Tú, thành phố Phan Thiết; Lễ hội dinh Thầy Thím, thị xã La Gi; Lễ hội Ka tê của người Chăm tỉnh Bình Thuận); 2 Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh (Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nghề gốm truyền thống của người Chăm thôn Bình Đức, huyện Bắc Bình).
Theo Ban Tổ chức, việc nhận thức khách quan về những giá trị văn hóa thuộc về bản sắc văn hóa con người Việt Nam trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong thực tiễn là một trong những vấn đề luôn được xác định hết sức cấp thiết và khoa học. Văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Bình Thuận là nhân tố quan trọng có sức hấp dẫn du khách tìm đếm khám phá; là những giá trị mang tính cốt lõi, nền tảng của văn hóa ứng xử, văn hóa tinh thần không thể thiếu, góp phần thúc đẩy hoạt động văn hóa và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong thời gian qua.
Những kết quả đạt được qua Hội thảo sẽ cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng chiến lược, ban hành quyết sách nhằm quán triệt, triển khai thực hiện và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các hệ giá trị chuẩn mực văn hóa, gia đình và con người Bình Thuận trong đời sống xã hội hiện tại và tương lai./.
Nguyễn Thanh