A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vốn tín dụng chính sách tiếp sức cho vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đang được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Đắk Lắk đã và đang tích cực triển khai, đưa đồng vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với người dân trên địa bàn tỉnh.

Article thumbnail
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Bông giải ngân vốn vay tại phiên giao dịch lưu động ở thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông, Đắk Lắk. Ảnh: AM

Đơn cử như hộ gia đình anh Cháng Sái Tủa ở thôn Ea Uôl, xã Cư Pui, huyện Krong Bông (tỉnh Đắk Lắk), nhiều năm liền là hộ nghèo của xã. Năm 2022, nhờ nguồn vay từ Chương trình mục tiêu quốc gia 1719 với số tiền 70 triệu đồng thông qua NHSXH huyện, gia đình anh đã chuyển đổi nghề từ trồng mì sang trồng cà phê. Hiện tại, cà phê đang phát triển rất tốt diện tích canh tác 2 héc ta cà phê với khoảng 2.000 cây, hứa hẹn một năm thu hoạch hiệu quả cho gia đình.

Anh Cháng Sái Tủa chia sẻ, nhờ vào những chính sách thiết thực của Chính phủ, cùng với việc hỗ trợ từ NHCSXH huyện đã giúp anh có được công việc ổn định, cuộc sống đỡ vất vả hơn, không còn khó khăn nhiều như trước.

Hay như gia đình chị Nguyễn Thị Thuỳ Trang ở Thôn 7, xã Cư MLan, huyện Ea Súp. Cuối năm 2022, chị vay vốn từ Chương trình MTQG 1719 với số tiền 50 triệu đồng nguồn vốn chính sách của NHCSXH huyện để thực hiện chuyển đổi nghề từ trồng mì sang chăn nuôi gia súc. Với số tiền vay được, chị đã con bò sinh sản để phát triển chăn nuôi. Nhờ đó, đến cuối năm 2023 đàn bò đã có thêm 2 con bê khiến chị rất vui mừng.

Gia đình chị Phan Thị Mộng Điệp ở thôn 8, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk trước đây có kinh tế rất khó khăn. Năm 2019, gia đình chị được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn chính sách để đầu tư chăn nuôi heo. Được sự tư vấn từ chính quyền và cán bộ tín dụng, gia đình chị đã nâng cấp chuồng trại, mua con giống và thức ăn để chăn nuôi. 

Để bảo đảm đàn heo khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh, chị chủ động nhập 30 con heo giống đã qua kiểm định của một công ty ở Đồng Nai. Song song đó, chị tiếp tục mở rộng thêm chuồng trại để thả nuôi 200 con gà ta. Nhờ nắm vững kỹ thuật chăn nuôi, thực hiện vệ sinh chuồng trại hằng ngày, dùng vắc xin phòng bệnh đầy đủ nên đàn heo, gà của gia đình chị luôn sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện mỗi năm gia đình chị xuất 4 lứa heo, 2 lứa gà, cùng với trồng trọt, cho chị tổng thu hơn 200 triệu/năm. Từng bước có thu nhập ổn định, chị Điệp tích cực tham gia các hoạt động của các hội, đoàn thể, đối với những chị em khó khăn hoặc thiếu kinh nghiệm sản xuất chị tận tình giúp đỡ.

án bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk khảo sát nhu cầu vay vốn của người dân. Ảnh: AM 

May mắn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tháng 5/2022, gia đình ông Y Cum Bdap (buôn Kpung, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) được vay 50 triệu đồng từ chương trình giải quyết việc làm.

Ông Y Cum chia sẻ, những tháng đầu năm 2022, dịch Covd-19 diễn biến phức tạp, con trai ông làm việc tại TP.Hồ Chí Minh phải trở về địa phương do bị mất việc làm nên gia đình ông rất khó khăn. Sau khi tìm hiểu và đề xuất, ông được tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương bình xét và được NHCSXH huyện Cư Kuin cho vay số tiền phù hợp với nhu cầu của gia đình và được hỗ trợ lãi suất ưu đãi.

Từ số vốn này, ông đã mua cây giống, phân bón để cải tạo, trồng mới, mở rộng quy mô vườn cà phê. Nhờ đó, nhu cầu cấp bách của gia đình là tạo công ăn việc làm cho con đã được giải quyết. Nguồn vốn trên còn giúp gia đình ông vượt qua khó khăn sau dịch và có nguồn thu nhập ổn định hơn.

Hay cũng từ nguồn vốn chương trình cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lậpTrường Mầm non Phong Lan (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar) đã được hỗ trợ nguồn vốn 100 triệu đồng để sửa chữa khu vui chơi cho trẻ.

Ông Lê Hồng Phong, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cũng như nhiều cơ sở mầm non tư thục khác, dịch Covid-19 đã gây những tổn thất nặng nề về kinh tế cho trường. Trong thời gian nghỉ dịch, nhà trường vẫn phải hỗ trợ lương, đóng bảo hiểm cho giáo viên... nên nhu cầu vay vốn của nhà trường là rất lớn. Vì vậy, gói vay đã phần nào giúp trường ổn định hơn khi hoạt động trở lại.

Ông Đào Thái Hòa, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk cho biết: Đắk Lắk là tỉnh có 31,5% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, ngay sau khi chương trình được triển khai, UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương rà soát nhu cầu vốn tín dụng chính sách ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia 1719; trong đó, tập trung vào giai đoạn 1: từ 2021 đến 2025 để tổ chức triển khai cho vay vốn kịp thời.

Theo đó, chi nhánh đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương cùng các ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các chế độ chính sách, tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ đến người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức phong phú, đa đạng… để nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS dễ tiếp cận. Chi nhánh NHCSXH tỉnh cũng chỉ đạo Phòng giao dịch NHCSXH các huyện phối hợp với các xã, bản tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, các cuộc họp xã, thôn, buôn … Qua đó, giúp nhân dân hiểu, đồng hành cùng với các cấp chính quyền để thực hiện chương trình.

Chú trọng công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn, kiên quyết không để xảy ra sai sót, vi phạm, trục lợi chính sách, chi nhánh NHCSXH tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn giúp người dân sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay… Góp phần khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS.

Thực tế cho thấy, nguồn vốn vay từ NHCSXH là điểm tựa vững chắc và là động lực quan trọng giúp các hộ đồng bào DTTS khó khăn có điều kiện trang trải cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Qua đó, từng bước xóa dần khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng. Sau hơn 3 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, đến nay, chi nhánh đã giải ngân 96 tỷ đồng cho 1.767 hộ vay vốn. Từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào vùng DTTS. Góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 26,8% năm 2022 xuống còn 19,6% năm 2023.

Các chính sách dành cho đối tượng vay vốn là hộ đồng bào DTTS đã mang lại hiệu quả trong việc tập trung nguồn vốn giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của người dân tộc thiểu số DTTS như: vốn để sản xuất, kinh doanh, trồng trọt, chăn nuôi, tạo việc làm, xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập, từng bước nâng cao đời sống của đồng bào DTTS. Theo đó, thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk rất mong nhận được sự quan tâm của các Bộ ngành liên quan để các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm