A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tỉnh sẽ thành cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm du lịch cấp quốc gia có gì đặc biệt?

Về quy mô GRDP, năm 2022, tỉnh xếp thứ 21/63 tỉnh, thành trong cả nước, chiếm 10,2% quy mô GRDP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.


Tỉnh sẽ thành cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm du lịch cấp quốc gia có gì đặc biệt?

Tiền Giang là tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời là tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tiền Giang có diện tích tự nhiên là 2.510,61 km2, chiếm 0,76% diện tích cả nước, 6,2% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Tiền Giang có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch, nằm trên trục giao thông quan trọng, cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Nam và cách thành phố Cần Thơ 100 km về phía bắc, là địa bàn trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ĐBSCL với thành phố Hồ Chí Minh cả về đường thủy và đường bộ.

Những năm qua, tỉnh có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Về quy mô GRDP, năm 2022, tỉnh Tiền Giang xếp thứ 21/63 tỉnh, thành trong cả nước; so với Vùng ĐBSCL, Tiền Giang chiếm 10,2% quy mô GRDP của Vùng, đứng thứ 3/13 tỉnh thành, vùng ĐBSCL; tổng GRDP giai đoạn 2011 - 2020 tăng bình quân 6,5%/năm (vùng ĐBSCL tăng 6,45%/năm).

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển vẫn còn các điểm nghẽn chính như tầm nhìn chưa tương xứng; chưa hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư quy mô, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hạn chế; Chuyển dịch cơ cấu; việc cụ thể hóa định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh chưa rõ nét, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chưa có liên kết thành khối ngành để nâng cao chuỗi giá trị, giảm ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, việc kết nối hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế giữa kết nối giao thông đối ngoại với nội tỉnh, kết nối giao thông đa phương thức, năng lực khai thác logistics để trở thành chuỗi chưa được chú trọng, đa phần chưa khai thác hết tiềm năng hiện có của tỉnh;… và cần phải được giải quyết trong quy hoạch.

Nhận thức được những tồn tại, hạn chế của tỉnh, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch theo Quyết định số 840/QĐ-TTg ngày 16/6/2020, UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác tổ chức lập Quy hoạch tỉnh; cụ thể hóa các nội dung chủ đạo của Quy hoạch quốc gia, các ngành, lĩnh vực, địa phương trước đây và đặc biệt là Nghị quyết 13 -NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL.

Trong điều kiện nguồn lực ngày càng hạn hẹp, tỉnh Tiền Giang xác định tập trung cho các dự án quan trọng là các dự án cần phải thực hiện để đạt được các mục tiêu chiến lược, trọng yếu; mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, an sinh xã hội mà Quy hoạch tỉnh đã xác định.

Tỉnh sẽ thành cực tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trung tâm du lịch cấp quốc gia có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Theo dự thảo quy hoạch được trình bày tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Tiền Giang đưa ra mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành một tỉnh công nghiệp có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, là một trong những cực tăng trưởng của vùng ĐBSCL, giữ vai trò là cầu nối giữa vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam Bộ; nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, đặc thù; phát triển tỉnh Tiền Giang trở thành một trung tâm du lịch cấp quốc gia. Kinh tế biển, kinh tế đô thị trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng.

Phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội; Thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả, với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định; bảo vệ môi trường; phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả, bền vững.

Quy hoạch đề ra 22 chỉ tiêu kinh tế, xã hội, môi trường, kết cấu hạ tầng và đảm bảo quốc phòng, an ninh. Trong đó, giai đoạn 2026 - 2030 mang tính quyết định với tốc độ tăng trưởng đề ra khá cao là 8,0 - 9,0%/năm, đòi hỏi nhiều nỗ lực trong điều hành của các cấp, các ngành. Phấn đấu GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 140 - 145 triệu đồng. Tỷ lệ đô thị hóa tính theo khu vực toàn đô thị đến năm 2030 là khoảng 45 - 47%.

Tỉnh tiếp tục duy trì, giữ vững tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hạ tầng giao thông: phát triển đồng bộ và tích hợp các phương thức kết nối với hệ thống vùng và quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng các ngành khác. Thúc đẩy kinh tế số, phát triển đóng góp 15% vào năm 2025, và đạt 25% vào năm 2030. Giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2025 còn khoảng 1,1%; năm 2030 giảm còn 0,7%.

Đối với các khu vực động lực phát triển tập trung phát triển theo 7 hành lang kinh tế cấp vùng đi qua Tiền Giang; Xác định 09 vùng công năng tương ứng với những chiến lược phát triển kinh tế và không gian khác nhau; 3 trung tâm đô thị; ba vùng vùng kinh tế - đô thị.

Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt sẽ tạo ra các động lực tăng trưởng và giá trị mới cho tỉnh Tiền Giang và để đảm bảo Quy hoạch này trở thành hiện thực, Tỉnh sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trên cơ sở huy động tối đa các nguồn lực vốn đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, quản lý quy hoạch và trật tự xây dựng, quản lý đất đai, đô thị; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường năng lực bộ máy chính quyền cơ sở, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; liên kết phát triển; bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm