Thanh toán điện tử lĩnh vực giao thông, thêm tiện ích và tăng tính minh bạch
Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ.
Chủ phương tiện phải có tài khoản giao thông để thanh toán điện tử. |
Đối với người dân, việc thanh toán điện tử trong giao thông mang đến sự tiện lợi, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, đồng thời tăng cường hiệu quả và minh bạch cho các cơ quan quản lý.
Hai phương thức thanh toán
Ngày 30/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2024/NĐ-CP quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Nghị định nêu rõ hình thức vận hành hệ thống thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng gồm: Hình thức đơn làn có barrier và hình thức đa làn tự do.
Theo hình thức đơn làn có barrier, barrier tại trạm thu phí đường bộ sẽ mở cho phương tiện đi qua khi phương tiện có gắn thẻ đầu cuối hợp lệ và thực hiện thành công thanh toán tiền sử dụng đường bộ.
Theo hình thức đa làn tự do, tại khu vực trạm thu phí đường bộ chỉ còn duy trì giá long môn và các thiết bị thu phí gắn trên giá long môn. Hình thức này chỉ áp dụng tại đầu vào của đường cao tốc.
Theo nghị định, việc thanh toán tiền sử dụng đường bộ được thực hiện theo phương thức mở và phương thức kín.
Phương thức mở là phương thức thanh toán mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí đường bộ không phụ thuộc vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thanh toán tiền sử dụng đường bộ mà chỉ phụ thuộc vào kiểu loại phương tiện.
Phương thức kín là phương thức thanh toán mà chủ phương tiện phải trả một mức tiền tại trạm thu phí đường bộ dựa vào chiều dài quãng đường phương tiện đã đi được trên đoạn đường thanh toán tiền sử dụng đường bộ và kiểu loại phương tiện.
Nghị định nêu rõ các tuyến, đoạn tuyến đường cao tốc; các tuyến, đoạn tuyến đường cao tốc nối tiếp nhau được tổ chức thu thành một hệ thống thu thực hiện theo phương thức kín theo hình thức điện tử không dừng.
Các trạm thu phí đường bộ không nằm trên đường cao tốc phải triển khai thu tiền sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng và duy trì mỗi trạm thu phí đường bộ có 1 làn thu phí hỗn hợp hoặc 1 làn xử lý sự cố (làn thu phí áp dụng cả hình thức điện tử không dừng và một dừng) trên mỗi chiều lưu thông theo quy định.
Việc thiết kế, đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp trạm thu phí đường bộ, hình thức vận hành hệ thống thiết bị lắp đặt tại trạm thu phí đường bộ và phương thức thu tiền sử dụng đường bộ được cấp có thẩm quyền quyết định trong báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ hoặc trong đề án khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ.
Xu thế hướng tới giao thông thông minh
Tại Hội thảo “Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông”, ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, trong thời gian tới, các loại phí, giá, tiền dịch vụ liên quan đến hoạt động giao thông của phương tiện giao thông đường bộ đều được thanh toán thông qua tài khoản giao thông.
Mô hình triển khai thanh toán điện tử sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực không do Bộ GTVT quản lý. Đối với lĩnh vực Bộ GTVT quản lý sẽ giữ nguyên phương thức triển khai như hiện nay.
Bà Trương Kiều Anh, Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở GTVT Hà Nội) cho biết, thời gian qua Hà Nội đã thí điểm thu phí dịch vụ đỗ xe không dùng tiền mặt, thẻ vé điện tử giao thông công cộng.
Với hệ thống thu phí không dùng tiền mặt tại các điểm đỗ xe, tỷ lệ sử dụng thanh toán không tiền mặt đạt 88 - 89% đối với ô tô còn xe máy là 85%. Với thẻ vé điện tử áp dụng cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng của Thủ đô, tỷ lệ người dân sử dụng thanh toán online là 85%.
“Thanh toán điện tử trong giao thông là xu thế bắt buộc. Đây cũng là một trong những chức năng hệ thống điều hành của giao thông thông minh, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần khắc phục, tiếp tục hoàn thiện để đem lại sự tiện ích cho người dân và cơ quan quản lý.
Ngoài ra, cũng cần hành lang pháp lý để triển khai chính thức. Bên cạnh việc phải có giải pháp công nghệ thân thiện, ổn định thì cần bảo đảm bảo mật, khả năng chia sẻ cơ sở dữ liệu với các cơ quan quản lý của thành phố, cơ quan chuyên ngành riêng”, bà Kiều Anh thông tin.
Đề cập tới vấn đề chia sẻ cơ sở dữ liệu, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong Luật Đường bộ đã có quy định liên quan tới cơ sở dữ liệu.
Theo đó, một trong những thành phần của cơ sở dữ liệu đường bộ sẽ được quản lý tập trung tại Bộ GTVT, được kết nối, chia sẻ với các đơn vị liên quan. Các đơn vị tuân thủ việc chia sẻ dữ liệu cơ sở cá nhân, bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Việc chia sẻ dữ liệu trên cơ sở đề nghị, nhu cầu, được sự đồng ý của chủ thanh toán, các dữ liệu có thể chia sẻ cho các cơ sở thanh toán dịch vụ, với mục tiêu đưa tới thuận tiện nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Nhằm phối hợp triển khai hiệu quả hoạt động thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông, ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, đơn vị sẽ đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, tiếp tục hoàn thành khuôn khổ pháp lý, triển khai hiệu quả Nghị định số 52/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ ngày 1/10/2024 khi Nghị định 119/2024/NĐ-CP có hiệu lực đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện phải thực hiện chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán. Từ ngày 1/10/2024 đến 1/7/2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ triển khai kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông qua tài khoản giao thông. Từ ngày 1/7/2026 chính thức vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.