Tạo việc làm, thu nhập cho lao động: Cần giải pháp đồng bộ
Dịp cuối năm, thay vì tuyển thêm nhân sự, tăng giờ làm để đáp ứng tiến độ đơn hàng như trước đây, năm nay, nhiều doanh nghiệp (DN) khu vực phía Nam lại phải chấm dứt hợp đồng lao động, giảm giờ làm, thậm chí cho người lao động (NLĐ) nghỉ Tết dài ngày… vì thiếu đơn hàng. Để tháo gỡ khó khăn cho DN và NLĐ, nhiều giải pháp được đưa ra.
Ông Dương Quang Hiệp, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (Bình Dương), cho hay, vào đầu năm, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, công ty phải tăng lương từ 5-10% so với kế hoạch. “Từ đầu năm 2022, công ty tuyển đủ 3.600 công nhân lao động để đáp ứng sản xuất tại hai nhà máy ở TP Dĩ An và thị xã Tân Uyên. Tuy nhiên, đến giữa năm do nguyên liệu nhập vào khó, hàng xuất chậm bởi giá cả thị trường nên công ty phải cắt giảm nhân sự chỉ còn gần 1.000 lao động thay phiên nhau làm, duy trì sản xuất. Theo kế hoạch, công ty sẽ cho công nhân nghỉ Tết sớm”, ông Hiệp chia sẻ.
Người lao động cần được quan tâm tạo việc làm, thu nhập. Ảnh: H.C
Trong khi đó, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam (khu công nghệ cao TP Thủ Đức), cho biết, trong tháng 10 và 11, đơn hàng của công ty giảm 30%, thu nhập của NLĐ giảm theo. Lao động thời vụ phải cắt giảm; lao động chính thức bị giảm giờ làm nên thu nhập giảm nhiều. “Dù khó khăn nhưng công ty vẫn tuân thủ cam kết trả đủ lương, thưởng Tết cho NLĐ”, ông Hồng nói.
“Các mặt hàng sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh như gỗ, da giày, dệt may gặp phải nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường xuất khẩu sụt giảm. Địa phương đang tổng lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động. Xúc tiến, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới như Ấn Độ, Nam Mỹ để doanh nghiệp khơi thông hàng hóa”.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh
Gắn bó với công ty hơn 6 năm, chị Nguyễn Thị Duyên (quê Hà Tĩnh, làm việc tại một công ty giày da ở TP Dĩ An, Bình Dương) nói chưa năm nào bị áp lực như năm nay. “Hai năm qua, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng công ty vẫn duy trì sản xuất, lương thưởng cuối năm không có gì thay đổi. Năm nay, công ty dù duy trì sản xuất nhưng quản lý thông báo đang gặp khó khăn, chuẩn bị tâm lý lương thưởng cuối năm không như trước. Tôi cũng xác định rồi, giữ được việc là mừng, thưởng thì vui, không có cũng chẳng sao”, chị Duyên bày tỏ.
Mười năm làm công nhân ở Công ty TNHH Việt Nam Samho (TPHCM), chị Phạm Thị Tem (35 tuổi) chưa bao giờ nghĩ bỗng dưng mình lại thất nghiệp. “Khi được thông báo phải nghỉ việc vào tháng 12 năm nay, tôi cảm thấy hụt hẫng và không biết năm nay sẽ lấy gì để nuôi con khi năm hết Tết đến. Công ty cho biết gặp khó về đơn hàng nên không có việc”, chị Tem nói.
Cuối năm nhiều lao động bị giảm thu nhập, giảm giờ làm. Ảnh: Hương Chi
Chưa đến thời điểm công bố lịch nghỉ Tết nhưng ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP TKG Taekwang Vina (doanh nghiệp có 35.000 lao động, tại KCN Biên Hòa 2, Đồng Nai), cho biết, công ty đã có kế hoạch cho người lao động nghỉ Tết dài ngày hơn những năm trước. Theo ông Phúc, việc kéo dài thời gian nghỉ Tết Nguyên đán một phần là do thiếu đơn hàng. “Vài tháng qua, công ty buộc phải cho người lao động nghỉ thêm 1-2 ngày trong tháng để duy trì sản xuất và giữ chân lao động. Hiện tại đang vào mùa sản xuất cho thị trường Noel và năm mới, tuy nhiên công ty chưa có đơn hàng mới. Dù khó khăn, nhưng công đoàn cũng có kế hoạch tổ chức các chuyến xe về quê cho NLĐ, chúng tôi hỗ trợ 50% chi phí lượt về cho NLĐ”, ông Phúc nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tin, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (Đồng Nai) cho biết, dù khó khăn nhưng thu nhập của NLĐ cơ bản đang ổn định. “Dự kiến công ty cho NLĐ nghỉ Tết gần 1 tháng. Công đoàn sẽ lấy ý kiến NLĐ nếu đồng thuận thì áp dụng”, bà Tin cho biết. Tương tự, ông Kiều Văn Đồng, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH gỗ Lee Fu (Đồng Nai), cho biết: Hiện công việc ít, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, NLĐ đã nghỉ việc nhiều. Công ty dự kiến cho NLĐ nghỉ Tết âm lịch 2023 kéo dài khoảng 1 tháng (từ ngày 2/1/2023 - 28/1/2023).
Gỡ nút thắt cho DN và NLĐ
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết, kết quả khảo sát nhanh 234 DN quy mô lao động trên 200 người ở TPHCM, có 125 DN không có nhu cầu tuyển lao động; 8 DN cắt giảm lao động; 83 DN thiếu đơn hàng. “Từ đầu năm đến nay, có 22 DN gửi phương án sắp xếp lao động đến Sở. Tổng số lao động bị cho thôi việc là 1.643 người, chủ yếu thuộc lĩnh vực may gia công, công nghệ thông tin, kinh doanh bảo hiểm”, ông Lâm chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt, cắt giảm lao động tại các DN, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM cho hay, sẽ phối hợp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, Liên đoàn Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ban quản lý KCX-KCN TPHCM nắm bắt nguyện vọng của NLĐ tại các DN dự kiến cắt giảm lao động. Sở cũng kết nối cung cầu lao động, giới thiệu người lao động đến các DN cùng lĩnh vực sản xuất, kinh doanh để hạn chế tình trạng thất nghiệp.
Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Đoàn Trung cho biết, LĐLĐ TPHCM yêu cầu các DN chấp hành nghiêm quy định pháp luật khi cắt giảm lao động; trong đó quan tâm đến các đối tượng ưu tiên như nữ công nhân đang mang thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; xây dựng phương án cắt giảm lao động do thu hẹp sản xuất đúng quy định, có sự tham gia giám sát của công đoàn cơ sở.
Theo ông Phạm Văn Tuyên, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, số lao động tạm ngưng hợp đồng khoảng 28.000 người, lao động bị giảm giờ làm có khoảng 240.000 người. Số lao động được hưởng bảo hiểm thất nghiệp tính đến hết tháng 9 có khoảng 70.000 người.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho hay, đang đẩy mạnh việc giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ NLĐ. Các đơn vị thuộc Sở đang thực hiện nhiều biện pháp để kết nối NLĐ với những DN đang có nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ.
Kết nối việc làm
Về nhu cầu tuyển dụng lao động hai tháng còn lại của năm, tại tỉnh Bình Dương có 29 DN tuyển lao động, đặc biệt là lao động phổ thông với số lượng khoảng 10.000 người. Trong đó, một số DN có nhu cầu tuyển số lượng lớn từ 500 đến trên 2.000 NLĐ, gồm Công ty TNHH Panko Vina (1.200 lao động), Công ty TNHH King Cou VN (772 lao động), Công ty TNHH sản xuất và xuất khẩu KVB (500 lao động), Công ty TNHH Techtronic Industries Việt Nam Manufacturing (2.350 lao động).
Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển thêm dưới 500 lao động gồm Công ty Cổ phần Maruichi Sun Steel, Công ty TNHH Polytex Far Eastern, Công ty TNHH Kolon Industries, Cty TNHH Dong Hwa.
Ông Dương Tấn Minh, Trưởng phòng giới thiệu việc làm (Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương), cho biết, đơn vị đã tư vấn giới thiệu việc làm cho gần 7.000 lao động có việc làm mới ổn định. “Từ đây đến cuối năm, đơn vị tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, online; tiếp tục thực hiện kết nối phỏng vấn trực tuyến cho DN và lao động”, ông Minh nói. Theo ông Minh, Trung tâm đang kết nối việc làm với các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên… nơi nào có nhu cầu tuyển dụng sẽ giới thiệu cho NLĐ. Mặt khác, tư vấn xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản nếu NLĐ có nhu cầu.