A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp

Tỉnh Thái Nguyên hiện có 35 đơn đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm của địa phương và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp 27 văn bằng bảo hộ gồm: 1 chỉ dẫn địa lý, 5 nhãn hiệu chứng nhận và 21 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, hàng hóa nông sản tiêu biểu của tỉnh. Đặc biệt, nhãn hiệu tập thể "Chè Thái Nguyên" đã được bảo hộ thành công tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên bang Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc; chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho các sản phẩm chè được công nhận bảo hộ tại Liên minh châu Âu...

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong các sản phẩm chủ lực, cây chè được xác định là cây trồng trọng điểm của địa phương. Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất chè an toàn, hữu cơ như: sử dụng phân bón nano, phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè, cấp mã số vùng trồng, đăng ký nhãn hiệu tập thể. Bước đầu, Thái Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với một số cây trồng, vật nuôi chủ lực; một số diện tích được ứng dụng quy trình sản xuất an toàn, hữu cơ, sản xuất theo chuỗi giá trị.

Toàn tỉnh đang duy trì 63 mã số vùng trồng; trong đó có 33 mã phục vụ xuất khẩu, 30 mã phục vụ tiêu thụ trong nước. Hiện các cấp Hội Nông dân quản lý 13/24 nhãn hiệu tập thể. Cùng với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”, nhiều sản phẩm chè của các vùng đặc sản trên địa bàn tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng bảo vệ nhãn hiệu tập thể như: "Chè La Bằng”, “Chè Trại Cài”, “ Chè Vô Tranh”…

Ông Ma Văn Thái, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cho biết, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho nông sản nói chung và sản phẩm chè nói riêng đã tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, ngành và toàn xã hội trong việc giữ gìn, phát triển giá trị, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá, phát triển các nhãn hiệu tập thể; “Chè Thái Nguyên” đã trở thành thương hiệu uy tín, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Các doanh nghiệp, cơ sở đang sử dụng nhãn hiệu tập thể đã nhận thức đầy đủ về giá trị thương hiệu, nhãn hiệu; thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm có nhãn hiệu, không ngừng cải tiến, đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, để nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu; góp phần xác định thương hiệu, cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị thương phẩm. Phần lớn các sản phẩm sau khi được bảo hộ có giá bán tăng thêm từ 10 - 20%; đồng thời, thị trường được mở rộng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đàm phán, tiếp thị, cung ứng sản phẩm cho các siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng giới thiệu, kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch...

Tuy nhiên thực tế hiện nay, công tác quản lý, sử dụng, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể ở Thái Nguyên vẫn còn những hạn chế, bất cập như: số lượng sản phẩm xây dựng được nhãn hiệu tập thể còn ít so với lợi thế, tiềm năng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh cũng như sự đa dạng, đặc trưng về các sản phẩm theo từng vùng miền. Một số chủ sở hữu nhãn hiệu chưa nắm rõ được vai trò, lợi ích và trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể để giữ gìn danh tiếng của sản phẩm. Việc quản lý, sử dụng nhãn hiệu của nhiều chủ sở hữu còn mang tính hình thức; công tác duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm sau khi được bảo hộ nhãn hiệu đôi khi còn bị xem nhẹ; một số sản phẩm không duy trì được vùng nguyên liệu sản xuất. Việc cấp và duy trì mã số vùng trồng áp dụng phần mềm hệ thống điện tử gặp nhiều khó khăn do phần mềm hệ thống đang trong giai đoạn vừa sử dụng vừa chỉnh sửa...

Để giải quyết những bất cập trên và triển khai hiệu quả việc xây dựng, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể, thời gian tới, Thái Nguyên chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng các địa phương tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ xây dựng, khai thác, bảo vệ và phát triển quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, chất lượng sản phẩm. Địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh việc hợp tác, liên kết trong tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất khẩu, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu và thực hiện các hợp đồng bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ các cơ sở đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ kinh phí để các cơ sở sử dụng nhãn hiệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn hiệu.../.
Hoàng Thảo Nguyên


Tác giả: Hoàng Thảo Nguyên
Nguồn:TTXVN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm