A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PGS,TS Ngô Trí Long: Ngành Công Thương đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp

Ngoài việc theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa, ngành Công Thương cần đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.

Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phải mạnh mẽ,“đủ liều” và thực chất hơn

Khu vực doanh nghiệp luôn có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội; là mắt xích quan trọng trong mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị và là một trong những lực lượng nòng cốt trong việc tạo ra của cải, vật chất xã hội.

Hiện các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và đang trong điều kiện rất khó khăn; Đa số doanh nghiệp gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa, nguồn cung ứng nguyên liệu thiếu hụt, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đơn hàng bị giảm sút, nhân công bị thiếu hụt, phải trì hoãn hoặc giãn tiến độ đầu tư thậm chí huỷ dự án đang hoặc sẽ thực hiện.

PGS,TS Ngô Trí Long: Ngành Công Thương đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp
PGS,TS Ngô Trí Long: Ngành Công Thương đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp

Trước những khó khăn trên, các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất phải mạnh mẽ, “đủ liều”, thực chất và hiệu quả hơn.

Cụ thể, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và cả xã hội đang dần thích nghi với trạng thái "bình thường mới", việc có những giải pháp hỗ trợ hoạt động sản xuất sau thời gian dài bị đình trệ là động lực để doanh nghiệp tiếp đà khôi phục và phát triển.

Đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh nhưng không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cần tiếp tục rà soát, nắm bắt những “điểm nghẽn” của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ; loại bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp; sửa đổi ngay những quy định, chính sách đang là rào cản hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp; loại bỏ các quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa thống nhất, chưa phù hợp thực tiễn…

Đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa và nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho doanh nghiệp sản xuất, tránh tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng. Với mặt hàng có tính đặc thù mùa vụ như nông - thủy sản, để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu nông - thủy sản cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cần đặc biệt lưu ý tính kịp thời khi đến vụ thu hoạch, thời gian bảo quản của nguồn nguyên liệu để đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế biến nông - thủy sản, đảm bảo kịp thời cung cấp hàng xuất khẩu theo chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh nhu cầu hàng hóa nông - thủy sản ở nhiều thị trường nhập khẩu đang có tín hiệu gia tăng.

Cần cải thiện môi trường kinh doanh đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, thông thoáng, minh bạch, thuận lợi. Triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ, cắt giảm chi phí đầu vào và cung cấp các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp; tăng cường chính sách an ninh việc làm.

Đồng thời, hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững: Đẩy mạnh triển khai hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trọng tâm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Triển khai đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường cho doanh nghiệp

Đối với ngành Công Thương, cần hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất; thực hiện các phương thức sản xuất, kinh doanh an toàn, thích ứng tốt với các diễn biến khác nhau của dịch bệnh Covid-19. Từ đó, duy trì thông suốt hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh có dịch bệnh.

Chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin tình hình khó khăn của doanh nghiệp trong sản xuất, lưu thông và xuất khẩu để tháo gỡ kịp thời, phục hồi và đẩy mạnh kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhiều của dịch Covid-19.

Khu trưng bày giới thiệu với sự tham gia của khoảng hơn 300 nhà cung cấp, doanh nghiệp với những sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của các doanh nghiệp, có tiềm năng xuất khẩu của 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm

Theo dõi sát diễn biến thị trường, tham mưu điều tiết kịp thời, bảo đảm cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý.

Nắm bắt, cập nhật kịp thời thông tin về cơ chế, chính sách, hoạt động buôn bán biên mậu tại các cửa khẩu, lối mở với Trung Quốc để cung cấp cho các doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả; điều tiết lượng hàng lên cửa khẩu, lối mở phù hợp với năng lực và tiến độ thông quan tại các cửa khẩu, lối mở.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nông sản bằng phương tiện vận chuyển khác nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường, củng cố và khai thác có hiệu quả các thị trường xuất khẩu truyền thống, khai thác các thị trường xuất khẩu trọng điểm nhằm giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực, có lợi thế của các địa phương.

Bộ Công Thương, các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước,… hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt thông tin thị trường, khai thác cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư công nghệ, mở rộng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường xuất khẩu.

Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nội địa, thực hiện tốt các chương trình hợp tác, liên kết giữa các tỉnh, thành, vùng, khu vực để hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối nhằm phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm;

Hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử; đưa các sản phẩm có lợi thế của các địa phương tham gia giao dịch tại các sàn thương mại điện tử. Phối hợp với các sàn thương mại điện tử kết nối với các nhà nhập khẩu nước ngoài, các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước. Tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình ngày mua sắm trực tuyến, gian hàng Việt trực tuyến quốc gia…

Khuyến khích phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, phát triển công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và các sản phẩm lợi thế của các tỉnh, thành.

Đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đồng thời, tăng cường xúc tiến đầu tư, thu hút nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng bên trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.

Kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho ngành năng lượng; Thúc đẩy các nhà đầu tư triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động các dự án năng lượng đặc biệt năng lượng tái tạo; phối hợp, hỗ trợ ngành điện và các chủ đầu tư triển khai thực hiện các công trình lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, giải phóng công suất các dự án điện năng lượng tái tạo…

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm