A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giải pháp tài khóa - “Chủ công” của chương trình kích thích, phục hồi kinh tế

 Chính sách tài khóa là yếu tố trọng tâm trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội. Việc thực hiện chính sách tài khóa hiệu quả có ý nghĩa to lớn trong kích thích, phục hồi nền kinh tế.

Ba nguồn lực của Chương trình khôi phục kinh tế

Cuối tháng 1 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

5 lĩnh vực trọng tâm của Nghị quyết gồm: mở cửa nền kinh tế, gắn liền với việc nâng cao năng lực của cơ sở y tế; đảm bảo an sinh xã hội thông qua gói hỗ trợ nhà ở cho công nhân, cũng như thực hiện hiệu quả các chính sách cho vay an sinh xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức kinh tế phục hồi, phát triển sản xuất; đẩy mạnh đầu tư công, trong đó đặc biệt chú trọng các công trình có sức lan tỏa lớn, có tầm quan trọng quốc gia và có thể triển khai thực hiện nhanh; cải cách về mặt thể chế, chính sách. Toàn bộ gói chương trình này thực hiện trong 2 năm 2022-2023.

Giải pháp tài khóa - “Chủ công” của chương trình kích thích, phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

Giá trị của các gói chính sách tài khóa trong Chương trình khoảng 291.000 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (NSNN), Bộ Tài chính, chương trình này đòi hỏi rất lớn cả về quy mô và thời gian để thực hiện. Giá trị của các gói chính sách tài khóa trong Chương trình khoảng 291.000 tỷ đồng.

Cụ thể gồm: 240.000 tỷ đồng là chi trực tiếp từ ngân sách (bao gồm 64.000 tỷ đồng miễn, giảm thuế và khoảng 176.000 tỷ đồng là đầu tư công; bố trí khoảng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2021 để hỗ trợ cho công nhân thuê nhà ở; tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế để ưu đãi cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế trong năm 2022. Việc hỗ trợ giãn, hoãn khoảng 135.000 tỷ đồng sẽ tương đương mức hỗ trợ cho doanh nghiệp khoảng 6.000 tỷ đồng; tăng bảo lãnh trái phiếu chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách khoảng 38.400 tỷ đồng.

Về nguồn lực để triển khai Chương trình, ông Nguyễn Minh Tân cho biết: “Tổng thể gói hỗ trợ sẽ đến từ nguồn tăng bội chi NSNN và nguồn tăng thu tiết kiệm chi của NSTƯ năm 2021, còn nguồn thứ 3 thực chất là giao thoa giữa chính sách tín dụng và chính sách tài khóa, tức là tăng bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội và NSNN sẽ cấp bù lãi suất cũng như chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện”.

Giải pháp tài khóa - “Chủ công” của chương trình kích thích, phục hồi kinh tế - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Tài chính đã khẩn trương phân công tổ chức thực hiện cho các đơn vị trong Bộ, gắn nhiệm vụ và thời gian hoàn thành một cách cụ thể cho các đơn vị.

“Có đến 18 nhiệm vụ mà Bộ Tài chính chủ trì và 13 nhiệm vụ Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, cơ quan khác, trong đó có những nhiệm vụ phải hoàn thành ngay trong quý 1/2022 và có nhiệm vụ kéo dài suốt trong quá trình thực hiện Chương trình”, ông Nguyễn Minh Tân cho hay.

Hiện Bộ Tài chính đã dự thảo trình Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định về chính sách miễn, giảm thuế cho các DN hay các chính sách như: cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022…

Đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế

Theo ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã đáp ứng được mong mỏi của các doanh nghiệp, của thị trường và nền kinh tế. Chương trình sẽ bổ sung thêm nguồn lực và được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Giải pháp tài khóa - “Chủ công” của chương trình kích thích, phục hồi kinh tế - Ảnh 3.

Ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam

“Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp cho quá trình phục hồi của doanh nghiệp, người lao động qua các biện pháp giãn, hoãn nộp thuế, hay các biện pháp an sinh xã hội, các kết quả của chương trình nếu được thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng sẽ tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế và mở ra những không gian kinh tế mới trong nhiều năm sắp tới. Đây sẽ là nền tảng để tiếp tục củng cố vị thế của Việt Nam trên bản đồ của chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ cho việc thu hút FDI, tăng đầu tư tư nhân, đẩy mạnh xuất nhập khẩu”, ông Lê Duy Bình đánh giá.

Cũng theo ông Bình, tương tự như những gói hỗ trợ trước đây, các giải pháp hỗ trợ phục hồi DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh với một loạt chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí sẽ có tác động trực tiếp nhất và nhanh nhất tới cộng đồng DN và cá nhân kinh doanh. Các khoản thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm đồng nghĩa với sự hy sinh về nguồn thu của NSNN nhưng nó lại tiếp thêm nguồn lực vô cùng quý báu cho các DN trong bối cảnh hiện nay.

“Trong các chính sách đó, giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một biện pháp mạnh mẽ và táo bạo. Biện pháp này sẽ có tác động trực tiếp tới tổng cầu của nền kinh tế. GTGT là một hình thức thuế gián thu và người chịu thuế cuối cùng là người tiêu dùng. Nó sẽ có tác động trực tiếp tới hầu như toàn bộ các giao dịch trên thị trường theo hướng hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sẽ có mức giá cuối cùng sau thuế GTGT thấp hơn trước đây. Điều này sẽ kích thích tiêu dùng cuối cùng”, ông Bình phân tích.

Tuy nhiên, ông Lê Duy Bình cho rằng, các biện pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho DN, giảm thuế GTGT cần được thực hiện càng sớm, càng đồng bộ, càng quyết liệt càng tốt. Mọi vướng mắc trong quá trình triển khai cần được nhanh chóng nhận diện và tháo gỡ.

“Thời gian và thời điểm có ý nghĩa quan trọng. Những nguồn lực từ chương trình đến được tới DN, tới người tiêu dùng sớm một ngày sẽ có tác động sớm một ngày, và cơ hội phục hồi và tăng trưởng sẽ đến sớm hơn một ngày, thậm chí hơn nhiều ngày do những tác động và hiệu ứng lan tỏa của những nguồn lực đó khi chúng được đưa vào nền kinh tế”, ông Lê Duy Bình nhấn mạnh./.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm