A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần làm gì để phát triển ngành nuôi biển công nghiệp bền vững?

Theo chuyên gia, ngành nuôi biển Việt Nam còn nhiều tồn tại, khó khăn như về thị trường, cơ sở hạ tầng, công nghệ, nguồn nhân lực… chưa xứng với tiềm năng.

Còn một số khó khăn, tồn tại

Theo Tổng cục Thủy sản, tổng diện tích tiềm năng nuôi biển ở nước ta khoảng 500.000ha với các đối tượng nuôi biển phong phú như nhóm cá biển, nhóm nhuyễn thể, nhóm rong tảo biển. Năm 2023, ngành thủy sản đặt mục tiêu diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha, với 10 triệu m3 lồng nuôi, sản lượng ước đạt 850.000 tấn.

Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Mặc dù có nhiều tiềm năng to lớn để phát triển ngành nuôi biển, nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong phát triển ngành nuôi biển, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, máy móc thiết bị còn đơn giản, và thiếu lao động có trình độ cao.

Cần làm gì để phát triển ngành nuôi biển công nghiệp bền vững?
Ngành nuôi biển Việt Nam còn nhiều tồn tại, khó khăn.. Ảnh: T.X

Cùng quan điểm này, bà Bùi Thị Ninh - Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI-HCM cho biết, ngoài khó khăn về kỹ thuật trong sản xuất giống hạn chế, quy mô nhỏ; công nghệ nuôi, hệ thống lồng còn chưa phát triển… Nước ta còn đối mặt với hạn về nhân lực, nguồn nhân lực phục vụ kinh tế biển nói chung và nuôi biển công nghiệp còn đang thiếu hụt, đồng thời kỹ thuật sản xuất của lao động đa số còn ở trình độ thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa, địa phương vẫn còn một số khó khăn, tồn tại trong hoạt động nuôi biển như: công nghệ nuôi biển bằng lồng bè của ngư dân còn lạc hậu; khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế, chưa chủ động hoàn toàn về con giống sản xuất nhân tạo, con giống sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm; lao động tham gia nuôi biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật và hạn chế về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường vùng nuôi.

Đặc biệt, hoạt động phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm còn yếu, phụ thuộc chủ yếu vào người trung gian nhỏ lẻ.

Để ngành nuôi biển trở thành ngành xuất khẩu tỉ USD

Việt Nam đang triển khai Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/10/2021 nhằm phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển một cách đồng bộ, an toàn, hiệu quả, bền vững và thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có thương hiệu đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho cộng đồng cư dân ven biển.

Mục tiêu từ nay đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha với 10 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng khoảng 850.000 tấn, xuất khẩu đạt từ 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha với 12 triệu m3 lồng nuôi và sản lượng 1,45 triệu tấn, xuất khẩu đạt từ 1,8 - 2 tỷ USD.

Bà Bùi Thị Ninh - Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI-HCM cho rằng nước ta cần xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân lực, xây dựng mô hình đào tạo theo sự dẫn dắt của ngành.

Theo ông Josh Goldman – Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Australis, Việt Nam đã phát triển được một ngành nuôi trồng thủy sản rất thành công nhưng người nông dân còn đang tập trung nuôi trồng, sản xuất các loại tôm, cá có giá trị thấp trong các ao trên đất liền, gần bờ. Do đó, dù ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam tạo ra sản lượng cao gấp gần 3 lần so với Na Uy, nhưng giá trị của sản phẩm lại chỉ bằng một nửa.

“Điều này cho thấy Na Uy đang phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách có hiệu quả kinh tế cao dù với sản lượng thấp. Đã đến lúc Việt Nam cần phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, xác định đây là ngành xuất khẩu nhiều tỉ USD tiếp theo. Chuyển đổi theo hướng sản xuất giá trị cao, kết hợp công nghệ mới, ít tác động môi trường”, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Australis cho hay.

Cần làm gì để phát triển ngành nuôi biển công nghiệp bền vững?
Nuôi biển ứng dụng công nghệ cao phát triển tại vịnh Vân Phong (Khánh Hòa). Ảnh: T.X

Theo ông Sivertsen Fjeldvær - Tổng Giám đốc ScaleAQ Seabased, việc đầu tư công nghệ là yếu tố kiên quyết trong phát triển nuôi biển, giúp đảm bảo an toàn sinh học, tiết kiệm chi phí, nhân lực nhưng vẫn mang lại có hiệu quả cao.

Tại Khánh Hòa, tôm hùm là đối tượng nuôi biển trọng điểm của tỉnh, được nuôi tại 4 địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Tổng số lồng thả nuôi toàn tỉnh năm 2022 khoảng 68.600 ô lồng, sản lượng thu được trên 1.375 tấn.

Các loài cá biển như cá chẽm, cá mú, cá bớp, cá chim vây vàng... đang được nuôi nhiều tại các vịnh, đầm với số lượng lồng nuôi cá của tỉnh khoảng 7.984 lồng, với tổng sản lượng khoảng 9.800 tấn. Ngoài ra, một số đối tượng nuôi như cua biển, hàu Thái Bình Dương, tu hài, rong biển đang góp phần giúp người dân ven biển mang lại hiệu quả kinh tế và ổn định.

Tại Hội thảo với chủ đề “Na Uy-Việt Nam: Thúc đẩy hợp tác trong nuôi trồng thủy sản trên biển” được tổ chức tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) vừa qua, đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Khánh Hòa mong muốn Na Uy sẽ hợp tác với địa phương trong việc xây dựng chuỗi giá trị, chứng nhận xuất xứ, thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nuôi biển công nghiệp của Việt Nam từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu cá hồi của Na Uy.

Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại Na Uy để ngày càng có nhiều khách hàng biết tới sự hiện diện của hải sản Việt Nam tại Nauy; xây dựng chương trình, kế hoạch gặp gỡ, kết nối và thúc đẩy thương mại giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của hai nước.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm