A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

4 động lực chính cho tăng trưởng tín dụng năm 2022

Bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; xây dựng, là 4 lĩnh vực được nhiều TCTD lựa chọn là động lực chính tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022

Nguồn: Vụ Dự báo, Thống kê, NHNN - Tháng 1/2022

Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo về kết quả cuộc Điều tra xu hướng tín dụng của các TCTD tháng 12/2021, vừa được Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố. Theo đó, cuộc điều tra được tiến hành từ ngày 3/12/2021 đến ngày 15/12/2021, đối tượng là toàn bộ các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tỷ lệ trả lời đạt 94%.

Kết quả điều tra cho biết, trong năm 2021, các TCTD nhận định, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng cao hơn so với năm 2020 nhưng chưa đạt được như kỳ vọng và dự báo tiếp tục cải thiện trong quý I/2022 và cả năm 2022; trong đó dự báo nhu cầu tín dụng của khách hàng doanh nghiệp cao hơn khách hàng cá nhân, tín dụng ngắn hạn cao hơn tín dụng trung dài hạn, VNĐ cao hơn ngoại tệ.

Nhu cầu tín dụng “phục vụ đời sống và tiêu dùng” được nhận định tăng thấp nhất trong năm 2021 nhưng dự báo sẽ tăng cao nhất trong năm 2022. Trong các lĩnh vực cho vay cụ thể, tương tự năm 2020 và 2021, “công nghiệp chế biến chế tạo”, “kinh doanh xuất nhập khẩu”, “mua nhà để ở”, “sản xuất, phân phối điện” và “xây dựng” tiếp tục được dự báo là 5 lĩnh vực được nhiều TCTD lựa chọn có nhu cầu vay tăng cao nhất trong năm 2022.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, tỷ lệ TCTD nhận định đã đáp ứng từ “75-100%” nhu cầu vay vốn của khách hàng cao hơn so với 6 tháng đầu năm (82 TCTD, tương đương 91,1%). Trong đó, 36 TCTD nhận định đã đáp ứng “100%” nhu cầu vay của khách hàng trong 6 tháng cuối năm 2021, tập trung đông ở nhóm TCTD nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Riêng nhóm 17 NHTM trọng yếu, tỷ lệ TCTD đáp ứng từ “75-100%” nhu cầu vay vốn của khách hàng đạt 94,1%, cao hơn so với kỳ trước (88,2%).

Về mức độ rủi ro tín dụng, các TCTD cho biết, trước tác động nặng nề của dịch COVID-19, rủi ro tín dụng trong 6 tháng cuối năm 2021 “tăng” mạnh hơn 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó, rủi ro của các khoản vay đầu tư, kinh doanh du lịch có tỷ lệ TCTD nhận định “tăng” cao nhất (46% TCTD), vượt rủi ro khoản vay đầu tư, kinh doanh bất động sản (44% TCTD), cao hơn tỷ lệ TCTD có cùng nhận định trong 6 tháng đầu năm 2021 (38% TCTD).

Với những tác động tiêu cực từ đại dịch, các TCTD dự báo mức độ rủi ro tín dụng tiếp tục “tăng” trong 6 tháng đầu năm 2022 nhưng tốc độ “tăng” thấp hơn 6 tháng cuối năm 2021 và được kỳ vọng “giảm nhẹ” trong cả năm 2022 so với năm 2021. Trong đó, rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như: “cho vay phục vụ nhu cầu đời sống”, “đầu tư công nghiệp hỗ trợ”; “cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp”; “đầu tư ngành vận tải, kho bãi”; “kinh doanh xuất nhập khẩu” và rủi ro tín dụng VNĐ được kỳ vọng điều chỉnh “giảm”.

Mặc dù mặt bằng rủi ro được nhận định tăng mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2021 nhưng để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, các TCTD đã giảm đáng kể xu hướng “thắt chặt” tiêu chuẩn tín dụng so với 6 tháng đầu năm 2021 đối với cả 2 nhóm khách hàng là doanh nghiệp và cá nhân.

“Trong 6 tháng đầu năm 2022 và cả năm 2022, các TCTD dự kiến “nới lỏng nhẹ” tiêu chuẩn tín dụng tổng thể của đơn vị mình và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên”, báo cáo của Vụ Dự báo, Thống kê cho biết.

Cơ sở để dự kiến “nới lỏng” nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục là kỳ vọng về các yếu tố “triển vọng kinh tế vĩ mô” khả quan, “chính sách và định hướng của Chính phủ, NHNN” cùng với “năng lực tài chính của TCTD” được cải thiện hơn.

Để đảm bảo an toàn tín dụng, các TCTD một mặt thu hẹp chênh lệch giữa lãi suất cho vay và chi phí vốn bình quân, giảm phí phi lãi suất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng; mặt khác “thắt chặt hơn” yêu cầu về tài sản bảo đảm, các điều khoản bổ sung trong hợp đồng tín dụng, yêu cầu điểm xếp hạng tín nhiệm tối thiểu của khách hàng và hạn mức tín dụng đối với khách hàng.

Tuy nhiên, các TCTD cũng đã “nới lỏng hơn” đối với khách hàng cá nhân. Trong đó, các điều kiện và điều khoản cho vay được được “nới lỏng’’ đối với cho vay tiêu dùng, giữ nguyên đối với cho vay bất động sản để ở và “thắt chặt’’ đối với sử dụng thẻ tín dụng.

Kết quả điều tra cho biết, xu hướng này dự kiến tiếp tục diễn ra trong 6 tháng đầu năm 2022, đặc biệt bên cạnh việc tiếp tục thu hẹp chênh lệch lãi suất biên, các TCTD dự kiến gia tăng quy mô khoản vay hoặc hạn mức tín dụng tối đa để hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, trong khi dự kiến tiếp tục “thắt chặt” mạnh hơn với lĩnh vực cho vay có rủi ro cao như “đầu tư kinh doanh chứng khoán”, “đầu tư kinh doanh bất động sản” và “sử dụng thẻ tín dụng”.

Nhận định về động lực tăng trưởng tín dụng trong năm 2022, các TCTD cho biết: bán buôn, bán lẻ; xuất, nhập khẩu; cho vay phục vụ nhu cầu đời sống; xây dựng, tiếp tục là những động lực chính tăng trưởng tín dụng của hệ thống TCTD trong 6 tháng cuối năm 2021 và cả năm 2022.

Trong đó lĩnh vực được nhiều TCTD lựa chọn nhất chuyển từ “bán buôn, bán lẻ” trong năm 2020, 2021 sang lĩnh vực “xuất, nhập khẩu” trong năm 2022. Lĩnh vực “kinh doanh bất động sản” có tỷ lệ TCTD lựa chọn để tăng trưởng tín dụng đã giảm từ mức 29,7% trong 6 tháng đầu năm 2021 xuống còn 23% trong 6 tháng cuối năm 2021 và 23,8% trong 6 tháng đầu năm 2022, do là lĩnh vực được dự báo mức độ rủi ro “tăng” cao nhất tại kỳ điều tra tháng 6/2021.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm