Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 26/11/2022
Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh; Nga soạn nghị định cấm bán dầu cho các quốc gia áp giới hạn giá; Pháp và Đức ký thỏa thuận đoàn kết năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 26/11/2022.
Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã leo dốc 8% trong tuần qua. Ảnh: Getty Images |
Giá khí đốt tại châu Âu tăng mạnh
Theo báo cáo của hãng dữ liệu tài chính Refinitiv Eikon, đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/11, giá hợp đồng khí đốt giao tháng 12 trên sàn TTF của Hà Lan tăng 1% lên 130 USD/MWh, còn các hợp đồng giao tháng 1 tăng lên 133,6 USD/MWh. Giá khí đốt tự nhiên tại châu Âu đã leo dốc 8% trong tuần qua trước lo ngại Nga dừng hoạt động trung chuyển khí đốt sang châu lục này qua lãnh thổ Ukraine.
Nhu cầu sưởi ấm khi mùa đông đến gần sẽ tiếp tục đẩy giá khí đốt lên cao và đã khiến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu bơm khí đốt từ các kho dự trữ. Kho dự trữ ở Italia đã giảm từ 95,4% xuống 93,5% do nước này phải đối mặt với nhu cầu tăng cao vào tháng 11.
Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cảnh báo rằng tình hình ở châu Âu vẫn còn nhiều thách thức vì nhu cầu tiêu thụ gia tăng nhanh chóng có thể làm cạn kiệt kho dự trữ và khiến thị trường bị gián đoạn nguồn cung. Đặc biệt, sự bất ổn về dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Âu qua lãnh thổ Ukraine là yếu tố sẽ thúc đẩy giá tăng cao hơn.
Nga soạn nghị định cấm bán dầu cho các quốc gia áp giới hạn giá
Theo Bloomberg, Điện Kremlin đang soạn thảo một sắc lệnh của Tổng thống, nhằm cấm các công ty Nga và bất kỳ thương nhân nào mua dầu của quốc gia này để bán cho các quốc gia, công ty hưởng ứng việc giới hạn giá.
Nghị định mới sẽ cấm các hoạt động kinh doanh với các công ty và quốc gia tham gia cơ chế trần giá. Mặc dù chi tiết về việc xác định các đối tượng chưa được tiết lộ, nhưng theo Bloomberg, nghị định mới sẽ cấm mọi tham chiếu đến giá trần trong các hợp đồng đối với dầu thô hoặc sản phẩm của Nga và cấm tính phí đối với các quốc gia áp dụng các hạn chế.
Đây được coi là đòn đáp trả quyết liệt của Moscow với việc Liên minh châu Âu (EU) đưa ra mức trần đề xuất là 65-70 USD/thùng dầu thô xuất xứ từ Nga. Phó Thủ tướng Alexander Novak đưa ra vào đầu tuần này cho hay thay vì cung cấp năng lượng cho các quốc gia áp đặt giá trần, Nga sẽ chuyển hướng cung cấp dầu của mình cho “các đối tác định hướng thị trường” hoặc giảm sản lượng.
Pháp và Đức ký thỏa thuận đoàn kết năng lượng
Pháp và Đức ngày 25/11 đã nhấn mạnh mối quan hệ thân thiết và tình hữu nghị khi Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne ký thỏa thuận được gọi là “thỏa thuận đoàn kết năng lượng”.
Phát biểu với báo chí ở Berlin, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: “Pháp và Đức đang tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng trên tinh thần đoàn kết và láng giềng. Hiện tại, chúng tôi đang cung cấp điện cho các nước láng giềng, trong đó có Pháp. Về khí đốt, đến lượt chúng tôi được hưởng lợi từ các đối tác châu Âu đáng tin cậy, đặc biệt là Pháp”.
“Với thỏa thuận chung này, chúng tôi nhấn mạnh sự đoàn kết năng lượng của chúng tôi: thể hiện tinh thần hỗ trợ lẫn nhau trong thời kỳ khủng hoảng. Đức và Pháp đang chứng minh tinh thần đoàn kết của châu Âu là như thế nào”, ông Scholz nhấn mạnh.
EU hỗ trợ hoạt động cung cấp năng lượng tại Ukraine
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 25/11 thông báo Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng cường nỗ lực viện trợ giúp Ukraine khôi phục hệ thống điện và sưởi ấm.
Theo đó, EU sẽ cung cấp cho Ukraine 200 máy biến thế cỡ trung và một máy biến áp tự ngẫu cỡ lớn từ Litva, một máy biến áp tự ngẫu cỡ trung từ Latvia và 40 máy phát điện hạng nặng từ kho dự trữ của EU ở Romania. Mỗi máy phát điện này có thể cung cấp điện cho một bệnh viện cỡ nhỏ và vừa.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết hiện vẫn còn hơn 6 triệu hộ gia đình ở nước này bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất điện. Thủ đô Kiev và các tỉnh Odessa, Lvov, Vinnytsia, Dnipropetrovsk là những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Mỹ đang kiếm lợi nhuận từ cuộc xung đột Nga-Ukraine
Theo nhận định của Trưởng ban Kinh tế thuộc Tạp chí L’Express (Pháp) Beatrice Mathieu, Mỹ đang kiếm lợi nhuận từ cuộc xung đột Nga-Ukraine nhờ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), ngành công nghiệp vũ khí và khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp.
Trả lời phỏng vấn của trang boursorama.com ngày 25/11, bà Mathieu cho rằng, nền công nghiệp Mỹ đang nhận về những hợp đồng xuất khẩu LNG "được sản xuất tại Mỹ" sang châu Âu, để thay thế khí đốt của Nga, với mức giá cao hơn nhiều so với giá bán cho khách hàng Mỹ.
Theo số liệu do chính phủ Mỹ công bố vào đầu tháng 10/2022, xuất khẩu khí thiên nhiên (đặc biệt dưới dạng hóa lỏng) của nước này đã tăng vọt trong tháng 8. Phần lớn LNG có điểm đến là châu Âu. Kim ngạch xuất khẩu khí đốt sang Pháp tăng 421% trong 8 tháng đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng của riêng tháng 8 đã là 1.094%.