Bản tin năng lượng số 21/2022
Mới đây, Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 được công bố tại Hà Nội. Báo cáo đã nghiên cứu và đề xuất kịch bản phát triển để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021
Báo cáo được biên soạn với sự hợp tác chặt chẽ giữa Cơ quan Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương Việt Nam. Đây là ấn phẩm thứ ba trong chuỗi các ấn phẩm Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam do Chương trình Đối tác Năng lượng Đan Mạch - Việt Nam xây dựng. Chương trình này là một phần đóng góp của chính phủ Đan Mạch cho Nhóm châu Âu (Team Europe) với mục đích hỗ trợ phát triển ngành năng lượng tại Việt Nam.
Lễ công bố Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021
Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam 2021 đã đưa ra một thông điệp rất rõ ràng: Việt Nam có nhiều tiềm năng chuyển đổi xanh để trở thành một nền kinh tế có mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow (Vương quốc Anh).
Cụ thể, báo cáo đưa ra góc nhìn trung và dài hạn về các kịch bản phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2050, cung cấp thông tin cho các nhà hoạch định chính sách và gợi mở các thảo luận về quá trình chuyển đổi xanh. Đặc biệt, Báo cáo Triển vọng năng lượng Việt Nam đã xem xét kịch bản để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và nghiên cứu chuyên sâu về chuyển đổi năng lượng trong lĩnh vực giao thông. Theo đó, điện khí hóa ngành giao thông, chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu điện phân và tăng cường phương thức vận tải bằng đường sắt điện khí hóa sẽ giúp giảm đáng kể lượng khí thải carbon và ô nhiễm không khí.
Báo cáo sẽ cung cấp một số thông tin đầu vào cho việc thực hiện Quy hoạch điện VIII của Việt Nam, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, Chiến lược biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng như các kế hoạch và chiến lược khác của Chính phủ.
Khời động dự án năng lượng sạch trị giá 36 triệu đô la
Ngày 3/6, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper cùng Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Giám đốc USAID Việt Nam Ann Marie Yastishock khởi động một dự án năng lượng sạch trị giá 36 triệu đô la do USAID tài trợ.
Đây là dự án được Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris công bố lần đầu tiên trong chuyến thăm chính thức Việt Nam vào tháng 8/2021.
Dự án với tên gọi là Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) sẽ phát huy thành công của dự án V-LEEP I được thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2020.
Trong khuôn khổ dự án V-LEEP I, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã phối hợp và hỗ trợ Bộ Công Thương xây dựng Quy hoạch điện VIII và thiết kế chương trình thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Đây là cơ chế cho phép các doanh nghiệp tại Việt Nam mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất điện sử dụng năng lượng tái tạo thay vì thông qua các công ty điện lực trong nước. V-LEEP I cũng phối hợp với khu vực tư nhân huy động thành công hơn 311 triệu đô la để phát triển các dự án điện gió và điện mặt trời với tổng công suất 300 MW.
Lễ khởi động Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II)
Phát huy những kết quả đó, dự án V-LEEP II sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ Công Thương để đẩy mạnh triển khai năng lượng sạch thông qua huy động đầu tư tư nhân, hỗ trợ thiết kế dự án cho các nhà phát triển dự án năng lượng và hỗ trợ kỹ thuật cho các bên cho vay.
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ phát triển 2.000 MW điện tái tạo được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2020 - 2025 thông qua huy động sự tham gia của khu vực tư nhân. Thông qua dự án này, USAID và Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác để cải thiện công tác quy hoạch và vận hành năng lượng nhằm nâng cao hiệu suất của ngành năng lượng.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Knapper nhấn mạnh: “Chính phủ Hoa Kỳ tự hào là đối tác của Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Chúng tôi hoan nghênh cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, với hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế. Dự án V-LEEP II do USAID tài trợ sẽ là một nền tảng quan trọng trong hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam để đạt được các cam kết về chống biến đổi khí hậu”.
Việt Nam dẫn đầu Đông Nam Á về chuyển đổi sang năng lượng sạch
Tạp chí The Economist của Anh số ra ngày 4/6 đã có bài viết nhận định Việt Nam là một điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á về quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Theo bài viết: "Vietnam is leading the transition to clean energy in South-East Asia" (tạm dịch: Việt Nam đang dẫn đầu quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch ở Đông Nam Á", trong 4 năm (tính đến 2021), tỉ trọng điện năng được sản xuất bằng năng lượng mặt trời tại Việt Nam đã tăng từ mức thực tế gần như bằng 0 lên gần 11%. Đây không chỉ là tốc độ tăng nhanh hơn hầu hết mọi nơi trên thế giới mà tỉ trọng này còn cao hơn so với các nền kinh tế lớn như Pháp hay Nhật Bản.
Đến năm 2021, Việt Nam đã trở thành nhà sản xuất điện mặt trời lớn thứ 10 thế giới.
Bài viết cho rằng các quốc gia Đông Nam Á khác có thể rút ra một vài kinh nghiệm từ Việt Nam. Theo đó, Việt Nam đã tăng gấp 4 lần công suất điện gió và điện mặt trời so với năm 2019. Thành tích phi thường này chủ yếu nhờ ý chí chính trị và các động lực thị trường.
Ảnh minh họa
Năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã bắt đầu trả cho các nhà sản xuất năng lượng mặt trời với giá cố định lên tới 9,35 cent USD/kWh cung cấp cho lưới điện, mức giá này là khá hào phóng vì chi phí cho mỗi kWh thường dao động từ 5 đến 7 cent. Kết quả là 100.000 tấm pin mặt trời trên mái nhà đã được lắp đặt trong năm 2019 và 2020, nâng công suất năng lượng mặt trời của Việt Nam lên 16 GW.
Nhiều quốc gia Đông Nam Á khác đã thử áp dụng mức giá bán cho lưới điện nhưng không đủ hấp dẫn. Vì vậy, việc cải cách đã giúp các nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng kinh doanh tại Việt Nam hơn.
Tuy nhiên, cũng theo bài viết này, nếu hy vọng đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa.
Ngân Hà