A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Vì sao Phật tử không nên tin vào tử vi, tướng số, bói toán, phong thủy?

Giáo pháp của Thế Tôn không có tử vi, bói toán, tướng số, không có phong thủy mà là: Tứ Diệu Đế - Khổ, Tập, Diệt Đạo, Bát chánh đạo, 37 phẩm trợ đạo, tứ vô lượng tâm, tứ niệm xứ, niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng niệm thí...

Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật cấm các đệ tử tin theo bói toán, tử vi, phong thủy, ngược lại sách tấn bốn chúng đệ tử hành theo lời Ngài dạy như Bát Chánh Đạo, 37 phẩm trợ đạo, tứ niệm xứ, tứ vô lượng tâm, niệm ân đức Phật, Niệm Phật, giới, định, tuệ, đoạn ác tu thiện (thân, khẩu và ý) để được an lạc, hạnh phúc, không sợ hãi cho đến giải thoát, niết bàn.

Theo Kinh Nikaya (Pali) Tăng Chi Bộ Kinh, chương 5, phẩm Nam Cư Sĩ, phần kẻ bị vất đi, Thế Tôn xác quyết những đệ tử nào "đoán tương lai với những nghi lễ đặc biệt; tin tưởng điềm lành, không tin tưởng hành động.." được xem là kẻ bị vất bỏ ra khỏi giới cư sĩ, cấu uệ hạ liệt." (Tăng chi bộ kinh, chương 5, phẩm Nam Cư Sĩ, phần kẻ bị vất đi".

Trong kinh Chuyển Pháp Luân ngay sau khi Phật giác ngộ và kinh Di Giáo ngay trước khi Phật Niết-bàn, Ngài khuyên các đệ tử của Ngài là không nên xem bói toán, xem quẻ, xem sao và xem tướng số. Trong năm môn học được giảng dạy ở các trường đại học Phật giáo trước đây ở Ấn Độ không có môn tướng số và bói toán tử vi, tuy có dạy các môn thế học như là Ngôn Ngữ Học, Thủ Công Nghệ Học, Y Học và Luận Lý Học.

Đức Phật xem những công việc như bốc số bói quẻ, đeo bùa phép hộ mạng, xem địa lý, xem ngày tốt.... là vô ích, và Ngài khuyên đệ tử không nên thực hành. Đức Phật gọi đó là “nghệ thuật thấp kém”, và dạy rằng: “Có vài đạo sĩ, trong khi sống nhờ vật thực mà tín đồ dâng cúng, lại tìm cách sinh sống bằng những nghệ thuật thấp kém, những nghề sinh sống như xem chỉ tay, xem tướng số, bàn mộng, cúng vái cầu thần tài, xem địa lý để xây cất nhà cửa...Tôn giả Cồ-đàm (Gotama) tránh xa những nghệ thuật thấp kém, những nghề nuôi mạng tương tự.”

Chuyện số 301 Tiểu Vương Kalìnga trong Tiểu Bộ Kinh Nikàya (Pali) cho thấy lời tuyên đoán của Vua Trời Đao Lợi, Thiên Đế Thích là sai, không đúng, không có nhất định. Trong câu chuyện này, Thiên Chủ Đế Thích cho rằng quân của vua Kalìnga sẽ thắng quân của vua Assaka. Tuy nhiên, vua Assaka có một vị tướng quân dũng mãnh với một ngàn kỵ sỹ dũng cảm, kiên cường đã đồng tâm hiệp lực đánh bại quân của vua Kalìnga. Như vậy ông Thiên Đế Thích đã đoán sai. Ngay cả Thiên Đế Thích với thần lực vô biên như vậy mà còn đoán sai huống gì những người xem tướng số, tử vi cũng như phong thủy thời này.

Câu chuyện chú Sa Di cứu đàn kiến là một bài học quý báu cho những người con Phật chân chánh. Chuyện kể, sư phụ chú sa di này là một vị đã thành tựu A La Hán Quả và có thần thông lực. Khi nhập định, vị sư phụ thấy thọ mạng của chú sa di này trong bảy ngày nữa là hết. Vì thế, vị sư phụ cho chú sa di này về quê thăm cha mẹ. Trên đường về quê, thấy đàn kiến đang bị dòng nước cuốn trôi. Chú sa di nhanh tay cứu lấy đàn kiến. Sau bảy ngày, chú sa di trở lại Thiền Môn. Vị sư phụ ngạc nhiên và nhập định và thấy chú sa di thoát nạn chết sớm mà còn sống thọ hơn là nhờ cứu lấy đàn kiến thoát nạn.

Trước khi nhập Niết Bàn, Đức Thích Tôn ân cần nhắc nhỡ "Lấy giáo pháp và luật của ta làm chỗ nương tựa, đừng nương tựa vào một điều gì khác." (Trường Bộ Kinh, Đại Bát Niết Bàn Kinh - Pali).

Giáo pháp của Thế Tôn không có tử vi, bói toán, tướng số, không có phong thủy mà là: Tứ Diệu Đế- Khổ, Tập, Diệt Đạo, Bát chánh đạo, 37 phẩm trợ đạo, tứ vô lượng tâm, tứ niệm xứ, niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng niệm thí...

Vì thế, Thế tôn xác quyết: Đệ tử chánh tông của Như Lai sinh ra từ miệng như lai, do pháp sinh ra, do pháp tạo ra, con cháu chánh tông của như lai là thừa tự pháp." (Khởi Thế Nhân Bổn, Trường Bộ Kinh - Pali)

Vì thế với những ai có lòng tin vào Tam Bảo bất động, giữ ngũ giới trong sạch, chắc chắn họ không còn một mảy may ý niệm về tử vi, tướng số, bói toán, phỏng thủy. Hãy xa lìa chúng để có thể vào quả dự lưu.

Đạo Phật là đạo từ bi và trí tuệ. Pháp của Thế Tôn khiến cho bất kể ai hành trì sẽ được an lạc, hạnh phúc và vô úy (không sợ hãi ngay trong giây phút hiện tại), ngay trong đời này, dẫn đến giải thoát, niết bàn. Tương lai, không có gì là cố định, hoặc định mệnh. Pháp là bất định, luôn biến đổi tùy theo tâm ý, hành động tạo tác, điều kiện và hoàn cảnh.

Phật Giáo quan niệm, con người không phải do một đấng nào đó tạo ra, có thể bị sai sử, bị thưởng phạt, cho sống hay cho chết. Phật giáo không tin vào cái gọi là "định mệnh" an bài. Phật giáo cho rằng, sự vận hành biến hóa của vũ trụ và sự lưu chuyển của sinh mạng, là do nghiệp lực của chúng sinh tạo nên. Tiến trình nhân và quả không do một nhân vật toàn năng nào điều khiển và định đoạt mà do hành động qua thân, khẩu và ý của chúng ta hằng ngày. Đó là một định luật tự nhiên. Chúng ta trách nhiệm về những hành động chúng ta làm, thì chúng ta cũng phải gánh trách nhiệm về hậu quả của những hành động ấy.

Phật giáo dạy rằng bất luận chuyện gì xảy đến cho ta đều do một hay nhiều nguyên nhân, chứ không do ngẫu nhiên, thời vận rủi may hay số mạng.

Việc chấp nhận ở đây không có nghĩa là tự mãn hay cam chịu với cái gọi là "Số Mệnh" an bài, bởi vì chúng ta có tự do làm thay đổi và khắc phục những sự việc hay kết quả mà chúng ta không ưa thích. Như chúng ta thi rớt, chúng ta phải cố gắng luyện thi lại, thế nào cũng đạt được. Chúng ta làm chủ tạo nhân, chính chúng ta làm chủ thọ quả. Chỉ cần sáng suốt khi tạo nhân, chịu khó chăm sóc tốt cho nhân tăng trưởng, thì quả chín ngon ngọt sẽ đến tay chúng ta một cách dễ dàng. Đó là lý nhân quả, nếu chúng ta tin sâu và tin chắc lý này, chắc chắn sẽ không còn mê tín mà đi coi bói toán tử vi hay đi xin xăm cầu đảo.

Phật giáo dạy rằng bất luận chuyện gì xảy đến cho ta đều do một hay nhiều nguyên nhân, chứ không do ngẫu nhiên, thời vận rủi may hay số mạng. Người chú trọng đến thời vận thường muốn được một điều gì – tiền bạc hoặc của cải. Đức Phật dạy rằng điều quan trọng hơn, mà ta cần phải quan tâm, là trau giồi và phát triển tâm trí:

“Học sâu hiểu rộng,

nghề nghiệp tinh xảo,

Được rèn luyện đúng mức

và nói đúng chánh ngữ:

Đó là vận mạng tốt nhất.

Phụng dưỡng cha mẹ,

thương yêu nuôi nấng vợ con

Và sống theo chánh nghiệp:

Đó là vận mạng tốt nhất.

Quảng đại bố thí,

công minh chánh trực,

Giúp đỡ họ hàng quyến thuộc

và sống đúng chánh mạng:

Đó là vận mạng tốt nhất.

Tránh xa hành động bất thiện, say sưa,

Và nghiêm trì giới luật:

Đó là vận mạng tốt nhất.

Kỉnh mộ, khiêm tốn, tri túc, tri ân Và thành kính lắng nghe

Giáo Pháp cao thượng:

Đó là vận mạng tốt nhất.”

(Kinh Hạnh phúc, Kp2)

Vì thế, là Phật tử chân chánh, lo tu thiện, tích đức từ thân, khẩu và ý để chuyển hóa nỗi khỗ và niềm đau thành an lạc, hạnh phúc, giải thoát, niết bàn. Cho nên đừng chạy theo bói toán, tử vi, phong thủy, tướng số mà bỏ qua giây phút hiện tại tu tâm (hiện tại lạc trú) để được an lạc ngay trong lúc này, tiến đến giải thoát, niết bàn, hoặc hành Bồ Tát Đạo, lợi mình, lợi người, lợi cho Tam Bảo.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật
Tìm kiếm

Tìm kiếm