Những chuyển biến lớn trong pháp luật để đảm bảo tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam
Sự phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng ngày càng đòi hỏi việc hoàn thiện về pháp luật nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng của người Việt.
Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hoà hợp dân tộc
Nhận thức và xây dựng những quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã được đặt ra từ sớm trong lịch sử hình thành Nhà nước Việt Nam hiện đại. Những quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và quy định của pháp luật Việt Nam đã tạo điều kiện cho mọi người dân thực hành tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Vì thế, cùng với sự phát triển của xã hội, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có sự đa dạng và phong phú nhất trên thế giới về tôn giáo và tín ngưỡng. Sự phát triển của tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam ngày càng đòi hỏi việc hoàn thiện về pháp luật nhằm đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng của người Việt.
Tự do tín ngưỡng và tôn giáo được tôn trọng và bảo đảm |
Trong báo cáo trình bày tại Hội thảo thường niên lần thứ 21 về Luật pháp và Tôn giáo (2014), Việt Nam được đánh giá một trong những quốc gia đa dạng tôn giáo và tín ngưỡng nhất trên thế giới, đứng thứ 3 chỉ sau Trung Quốc và Mozambique.
Nguyên tắc các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật cũng đã được thể hiện trong chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam và được thể chế hoá trong Hiến pháp và pháp luật. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam được ghi nhận từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và tiếp tục được khẳng định trong các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, 2013. Các quy định trong những bản Hiến pháp này càng về sau càng có xu hướng chi tiết hơn, thể hiện tính “đột phá” trong từng thời kỳ và sự đổi mới mạnh mẽ từ năm 1990 và vẫn tiếp tục phát triển cho đến nay.
Sự quan tâm của Việt Nam dành cho tôn giáo đã bắt đầu ngay từ ngày đầu thành lập đất nước (1945), được thể hiện trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng sự quan tâm đó chưa được thể chế thành một bộ luật riêng đối với tôn giáo, mà phải đến năm 2016 Luật về tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam mới chính thức được ban hành và có hiệu lực từ năm 2018. Điều này đã phản ánh một quá trình nhận thức rất phức tạp và liên tục của Việt Nam đối với tôn giáo và được chia thành hai thời kỳ trước Đổi mới và sau Đổi mới (1990).
Qua ba lần đột phá về nhận thức và chuyển đổi chính sách (nhận thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1945 - 1955, nhận thức của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1990, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016), chính sách và pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng dần được hình thành và hoàn thiện, nhờ đó sự tự do trong đời sống của người có tôn giáo, tín ngưỡng cũng ngày càng được nâng cao.
Có thể nói, chính sách về tôn giáo xuyên suốt thời kỳ 1945-1990, có thể thấy điểm nổi bật trong thời kỳ này là tư tưởng tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, hoà hợp dân tộc của Hồ Chí Minh. Người khởi xướng những chính sách tự do tôn giáo, được thể hiện trong Hiến pháp. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục là nền tảng cho những quan điểm, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo.
Điều đặc biệt trong tư tưởng Hồ Chí Minh là mặc dù kế thừa thế giới quan, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng lý luận về tôn giáo của Hồ Chí Minh rất độc lập và sáng tạo. Theo đó, tôn giáo không chỉ là hình thái ý thức xã hội, mà còn là hiện tượng văn hoá đặc thù, tạo ra những giá trị bản sắc văn hoá dân tộc. Hồ Chí Minh không chủ trương đấu tranh chống tôn giáo mà kêu gọi đoàn kết tôn giáo và coi tôn giáo như một nguồn lực trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tư tưởng về tôn giáo của Hồ Chí Minh là sự đột phá vào các quan điểm quan liêu, cứng nhắc hoặc tôn sùng, đề cao vai trò, sức mạnh thần bí của tôn giáo ở phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng.
Những nhận thức đổi mới
Nhận thức, quan điểm, chính sách đổi mới trong công tác tôn giáo được thể hiện trước tiên qua Nghị quyết số 24-NQ/TW năm 1990 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới. Nghị quyết này là bước ngoặt trong đổi mới quan điểm, chính sách đối với tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nội dung “Tôn giáo là một vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”, được xem là đột phá, cho thấy cách tiếp cận của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với tôn giáo là đa chiều, phản ánh tư duy đổi mới sắc bén. Cụ thể:
Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận tôn giáo còn tồn tại lâu dài vì những điều kiện để tôn giáo phát triển vẫn đang tồn tại. Tôn giáo với khía cạnh tâm linh của con người, là kinh nghiệm về cái “Thiêng”, nhằm lí giải một nhu cầu không chỉ cho cuộc sống trần thế mà còn là mục tiêu sau khi đã sang “thế giới bên kia”.
Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam nhìn nhận do nhu cầu tinh thần mà con người sáng tạo ra tôn giáo, nó cũng giống như do nhu cầu lương thực để sống, con người phải trồng trọt và chăn nuôi. Tôn giáo ra đời từ nhu cầu của một cộng đồng. Khi đã trở thành tôn giáo thì nó có tính dân tộc, nó là một bộ phận trong đời sống tinh thần của dân tộc đó.
Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thấy vai trò của đạo đức tôn giáo đối với con người và xã hội. Tôn giáo có vai trò cảm hoá con người về mặt đạo đức, góp phần xây dựng nhân cách sống của con người, làm lành mạnh hoá đời sống xã hội.
Từ tầm nhìn của Nghị quyết 24, để đáp ứng với yêu cầu của quá trình đổi mới, ngày 21/3/1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định 69-HĐBT ngày 21/3/1991 “Quy định về các hoạt động tôn giáo”. Tiếp ngay sau đó, Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991 đã khẳng định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những hành vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập dân tộc và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân”.
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội do Đại hội VII thông qua cũng ghi rõ: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, đồng thời chống việc lợi dụng tín ngưỡng để làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.
Chương 5, Điều 70, Hiến pháp 1992 bổ sung rõ hơn: “Công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”.
Vấn đề quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và bảo vệ quyền này tiếp tục được đề cập trong nhiều văn bản pháp luật. Trong Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 5 nguyên tắc bình đẳng quy định: “Trong quan hệ dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau” và Điều 47 ghi rõ: “Cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác”.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ban hành năm 2004 đã thể chế hoá quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước Việt Nam, trong đó xác định: “Tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài. Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo 2004 đã thể hiện:
Thứ nhất, các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận đều có quyền hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ của pháp luật; các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của các tôn giáo khác nhau đều được Nhà nước đảm bảo.
Thứ hai, tài sản hợp pháp thuộc các cơ sở thờ tự của các tôn giáo đã được Nhà nước công nhận đều được pháp luật bảo hộ. Các tôn giáo được xây dựng, sửa chữa, tu bổ cơ sở thờ tự phù hợp với nhu cầu của tôn giáo, phù hợp với điều kiện của đất nước và những quy định của pháp luật.
Thứ ba, các tổ chức tôn giáo được thành lập, sáp nhập, chia tách, được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật không phân biệt đó là tôn giáo nào.
Thứ tư, các tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận được bình đẳng với nhau trong thành lập trường đào tạo, mở lớp bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo; bình đẳng trong xuất bản, in ấn, sử dụng kinh sách, đồ dùng việc đạo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo.
Thứ năm, các tổ chức tôn giáo, tín đồ, nhà tu hành, chức sắc của các tôn giáo được quyền bình đẳng trong thực hiện quan hệ đối ngoại theo quy định của hiến chương, điều lệ, giáo luật của tổ chức tôn giáo, phù hợp với pháp luật Việt Nam.
Những vấn đề này sau đó được cụ thể hoá trong các Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 8/11/2012 (thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP) của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo. Như vậy, chuyển biến tư duy về tôn giáo trong Nghị quyết 24 là bước chuyển về chất trong nhận thức lý luận và thái độ đối với thực tiễn tôn giáo. Nó tạo nên hiệu ứng trên nhiều phương diện của đời sống xã hội. Quan điểm đổi mới đó được thể hiện cụ thể trong Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2004, là cơ sở quan trọng cho những quy định về tín ngưỡng, tôn giáo trong Hiến pháp 2013 và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016.
Bước phát triển của nhận thức và luật pháp
Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI (2011) của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã khái quát: “Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Đấu tranh và xử lý nghiêm đối với mọi hành động vi phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo và lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân”.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI đã nêu: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của đảng trong giai đoạn mới của đất nước; tôn trọng những giá trị đạo đức, văn hoá tốt đẹp của các tổ chức tôn giáo; động viên các chức sắc, tín đồ, các tổ chức tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tại Đại hội lần thứ XII (tháng 01/2016), Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định “Hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Trên cơ sở những nhận thức đổi mới của Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã ra đời năm 2016. Đây là sự cụ thể hoá những quan điểm mang tính đột phá lần thứ ba về tư duy về tôn giáo.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 2021) tiếp tục xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới đó là tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo, thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Báo cáo Chính trị của Đại hội XIII nêu rõ: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “sống tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo và hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá đảng, nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”.
Đại hội XIII, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa vào Văn kiện Đại hội nội dung tôn giáo là nguồn lực xã hội, và nhấn mạnh cần “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”; “nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo”. Đây chính là sự khẳng định lại những điểm đột phá trong pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng năm 2016.
Việt Nam là một quốc gia có những giá trị lịch sử và truyền thống phong phú, chính vì thế đời sống tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam rất đặc sắc và đa dạng. Trong lịch sử hiện đại, ngay từ khi ra đời năm 1945, Nhà nước Việt Nam đã quan tâm tới những giá trị tinh thần đặc biệt này. Từ quan điểm của người đứng đầu đất nước - Chủ tịch Hồ Chí Minh tới quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và chính sách của Nhà nước đã có sự nhất quán trong việc đảm bảo tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân.
Trong hơn 75 năm hình thành và phát triển, chính sách và luật pháp về tôn giáo ở Việt Nam đã qua ba lần chuyển biến mạnh mẽ và ngày càng được hoàn thiện. Điều này cho thấy sự phát triển liên tục, từng bước tiếp thu và kế thừa tính nhân văn, thượng tôn pháp luật trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, văn minh, hiện đại, phù hợp với chuẩn mực quốc tế của Việt Nam.