A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công sở dùng nhốt lợn, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục... thống kê rà roát

Theo Phòng Quản lý công sản - giá (Sở Tài chính Thanh Hóa), hiện nay Thanh Hóa có 798 công trình, trụ sở cơ quan dôi dư bỏ hoang lãng phí sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính. Vấn đề này đã được UBND tỉnh chỉ đạo xử lý từ lâu nhưng cho đến nay vẫn trong tình trạng… chờ thống kê, rà soát.

Công sở dùng nhốt lợn, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục... thống kê rà roát
Công sở xã Quảng Phúc (xây dựng năm 2018, với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng) vừa xây xong phần thô đã bị bỏ hoang, thành nơi nuôi lợn. Ảnh: Quách Du

Tích cực sáp nhập, công sản dư thừa

Tỉnh Thanh Hóa có 27 huyện, thị. Những năm qua, tỉnh đã rất quyết liệt trong việc sắp xếp lại một số xã, phường. Ngay từ năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành chỉ thị về việc sắp xếp này với tinh thần “chủ trương 1, biện pháp 10 và quyết tâm 20” để thực hiện tốt các chỉ đạo trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Tính đến tháng 8/2023, toàn tỉnh đã giảm số đơn vị hành chính cấp xã từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 559 xã, phường, thị trấn. Thanh Hóa được Trung ương đánh giá là địa phương dẫn đầu, hoàn thành xuất sắc mục tiêu sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và nhập thôn, tổ dân phố phù hợp định hướng, chương trình phát triển đô thị.

Tuy nhiên, đằng sau những mặt được thì tình trạng công sở bỏ hoang, lãng phí sau sáp nhập đã và đang gây bức xúc dư luận.

Trạm Y tế thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn sau sáp nhập bỏ không. Ảnh: Quỳnh Trâm
Trạm Y tế thị trấn Sơn Lư, huyện Quan Sơn sau sáp nhập bỏ không. Ảnh: Quỳnh Trâm

Đơn cử, năm 2019, 2 xã Quảng Phúc và Quảng Vọng (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) sáp nhập thành 1 xã và lấy tên là xã Quảng Phúc (trụ sở chính đóng tại xã Quảng Vọng cũ).

Sau khi sáp nhập, nhiều công trình như công sở, hội trường, Trường tiểu học, trạm y tế (ở xã Quảng Phúc cũ) bị bỏ hoang, lãng phí. Đặc biệt, trong số các công trình bị bỏ hoang có công sở xã Quảng Phúc (xây dựng năm 2018, với tổng mức đầu tư hơn 5 tỉ đồng) mới xây xong phần thô, vừa trát vữa xong, chưa hoàn thiện và bỏ dang dở cho đến nay. Nhiều người dân tận dụng công sở mới xây, chưa sử dụng để nuôi lợn, cột trâu bò. Hội trường xã Quảng Phúc cũ (với mức đầu tư hơn 3 tỉ đồng) đã hoàn thiện, và hiện nay trở thành nơi sản xuất chiếu cói...

Trao đổi với Lao Động, ông Hoàng Xuân Thi - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc cho biết, để tháo gỡ tình trạng các công trình đang bị bỏ hoang sau khi sáp nhập, xã đã có văn bản đề nghị xin điều chỉnh công năng sử dụng và chờ chỉ đạo cụ thể từ cấp trên.

Đây là tình trạng chung của rất nhiều địa phương cấp xã sau sáp nhập ở Thanh Hóa.

Ngay cả đài tưởng niệm liệt sĩ cũng trong tình trạng bỏ hoang. Ảnh: Q.D
Ngay cả đài tưởng niệm liệt sĩ cũng trong tình trạng bỏ hoang. Ảnh: Q.D

Chỉ đạo mãi vẫn chỉ ở... thống kê, rà soát

Để xử lý vấn đề này, từ tháng 9.2022, UBND tỉnh Thanh Hóa liên tục có các công văn chỉ đạo rà soát, sắp xếp lại tài sản công. Tuy nhiên hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Công văn chỉ đạo sau cơ bản giống công văn chỉ đạo trước vì việc xử lý cũng chỉ ở... thống kê, rà soát.

Cụ thể, ngày 9.9.2022, tại công văn số 13311/UBND-KTTC, UBND tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh, "dù Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành các văn bản phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý cơ sở nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố và một số sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh và ban hành các quyết định xử lý nhà, đất theo phương án sắp xếp được phê duyệt với các hình thức xử lý, đảm bảo đúng quy định như: “Giữ lại tiếp tục sử dụng”, “Tạm giữ lại tiếp tục sử dụng”, “Thu hồi”, “Chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý”, “Điều chuyển”, “Bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất”…

Tuy nhiên, tiến độ lập, thẩm định, trình phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với khối sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với kế hoạch; địa phương chưa đề xuất phương án xử lý cụ thể; hiện trạng nhà, đất đang bỏ không, bị xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí; một số cơ sở nhà, đất sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí như: để trống, cho thuê, cho mượn chưa đúng quy định của pháp luật".

Liền sau đánh giá này là hàng loạt chỉ đạo như: “Khẩn trương tổ chức rà soát, đánh giá đối với trụ sở, tài sản dôi dư để đưa tài sản vào sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật, tránh bỏ trống, thất thoát, lãng phí tài sản công”…

Trong nhiều công văn chỉ đạo tiếp theo, lặp lại điệp khúc như: “thời gian qua, tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất và việc tổ chức thực hiện phương án xử lý sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt còn chưa đáp ứng được yêu cầu; một số cơ sở nhà, đất sử dụng chưa hiệu quả, lãng phí như: để trống, cho thuê, cho mượn chưa đúng quy định”...

Tương tự tại Công văn số 15875/UBND-KTTC ngày 25.10.2022, UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ trì, khẩn trương rà soát, đánh giá các cơ sở nhà, đất dôi dư đã được phê duyệt phương án xử lý “Chuyển giao về địa phương quản lý, xử lý” để đề xuất hình thức xử lý cụ thể đối với từng cơ sở nhà, đất đôi dư, đảm bảo tuân thủ đúng quy định, báo cáo Ban chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất tỉnh trước ngày 25.11.2022.

Tuy nhiên, ngày 30.8, trao đổi với Lao Động, ông Lê Duy Hiếu - Phó trưởng Phòng Quản lý công sản - giá (Sở Tài chính Thanh Hoá) vẫn cho hay, đến nay vẫn chưa thống kê, rà soát, đánh giá xong nên chưa có phương án xử lý nào cụ thể.

“Nếu anh muốn biết cụ thể thì chờ đến 31.12.2023 mới thống kê xong nhé!” – ông Hiếu nói.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Tìm kiếm

Tìm kiếm