Liên kết ngoài liên minh
Anh và Đức sẽ ký kết một hiệp ước hữu nghị với mục đích, ý nghĩa, nội dung, tác động giống như hiệp ước hợp tác mà Anh và Pháp vừa mới ký kết.
![]() |
Minh họa/INT |
Cụ thể là định hướng, định hình lại toàn bộ mối quan hệ hợp tác song phương cho thời kỳ sau khi nước Anh ra khỏi EU (Brexit) và trong bối cảnh châu Âu cũng như chính trị thế giới biến động rất mạnh mẽ, sâu rộng. Đây là hiệp ước hợp tác toàn diện đầu tiên giữa Đức và Anh.
Trước đấy, giữa hai nước đã có một số thoả thuận hợp tác về quốc phòng và an ninh. Anh không còn trong Liên minh châu Âu; Anh và Đức đều là thành viên của liên minh quân sự NATO. Hiệp ước hữu nghị này là sự liên kết với nhau của họ ở bên ngoài phạm vi hai liên minh trên.
Trong hiệp ước hữu nghị này, những nội dung về hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại đương nhiên không thể thiếu vắng nhưng không thật sự nổi bật. Trọng tâm hàng đầu là hợp tác về quân sự, quốc phòng với điểm đáng được chú ý đến nhất là cam kết tương hỗ an ninh lẫn nhau (như cam kết đảm bảo an ninh theo Điều 5 của Hiệp ước về NATO). Cam kết song phương mới đương nhiên không thay thế cam kết trong NATO mà bổ sung cho cam kết an ninh trong tổ chức này.
Đi cùng với cam kết tương hỗ an ninh lẫn nhau này là cả hẳn một chương trình hành động về hợp tác trên lĩnh vực công nghiệp, công nghệ quân sự, quốc phòng, kể cả chế tạo tên lửa tầm xa và thiết bị bay tấn công không người lái, xuất khẩu vũ khí, nghiên cứu, sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Hiệp ước hợp tác trên không những chỉ phản ánh chất lượng, tầm vóc mới của mối quan hệ hợp tác song phương giữa Anh và Đức mà còn làm cho mối quan hệ song phương này có được bản chất đặc biệt như Anh đã có với Mỹ, cũng như vừa mới kiến tạo nên với Pháp.
Sự liên kết ngoài liên minh này đem lại lợi đơn và ích kép cho cả Đức lẫn Anh. Giống như Pháp, cả hai đều muốn tăng cường thống nhất quan điểm, phối hợp hành động để có vai trò và ảnh hưởng hàng đầu trên châu lục về chính trị an ninh, quốc phòng cho hiện tại cũng như về lâu dài, trước mắt dẫn dắt cả châu lục ứng phó những thách thức về chính trị, an ninh.
Đức cần khuôn khổ, tầm vóc và chất lượng quan hệ hợp tác mới với Anh để không bị tụt hậu so với Pháp trong việc gây dựng vai trò dẫn dắt châu Âu, tạo trục quan hệ Berlin - London làm đối trọng với trục quan hệ Paris - London.
Cả Pháp, Đức lẫn Anh đều cần hình thức liên kết ngoài liên minh với nhau để ứng phó những thách thức chung hiện tại đối với chính họ và đối với châu Âu. Trong đó, đặc biệt những thách thức hiện tại cũng như về lâu dài liên quan đến diễn biến và kết cục của cuộc chiến tranh ở Ukraine; đối phó Nga hiện tại cũng như ở thời sau cuộc chiến ở Ukraine; ứng phó sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với NATO và EU, Ukraine và Nga với hệ luỵ bất lợi nhiều hơn có lợi cho EU và NATO.