Tăng trưởng GDP năm 2021: Phụ thuộc khả năng kiểm soát dịch bệnh
Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội đạt được mức tăng trưởng GDP cả năm 2021 ở mức trên 6%, nhưng điều đó trở thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh. Đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Công Thương mới đây.
Dựa vào kết quả tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm, ông đánh giá thế nào về khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% theo yêu cầu Chính phủ?
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so với cùng kỳ năm ngoái, dù chưa như kỳ vọng nhưng đây cũng là mức tăng khá tốt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, để đánh giá về mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 trong thời điểm này thì thật khó, bởi hiện tình hình dịch bệnh trong nước vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp và có dấu hiệu lan rộng tại nhiều địa phương trên cả nước.
Song tôi vẫn nghĩ, nếu như Việt Nam khống chế được dịch trong tháng 8/2021 thì vẫn còn khoảng 4 tháng nữa để phấn đấu, nên mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 6,5% là khó khăn, nhưng không phải không thể thực hiện được nếu như có những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng phù hợp. Đặc biệt, hiện chúng ta cũng đang có rất nhiều yếu tố hỗ trợ tốt cho tăng trưởng về mặt thị trường, về năng lực sản xuất, nên càng khống chế sớm được dịch bệnh thì cơ hội đạt mục tiêu tăng trưởng sẽ càng mở rộng và ngược lại.
Cụ thể, theo ông, đâu sẽ là những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng những tháng cuối năm?
Yếu tố thứ nhất là nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam đang rất cao, nếu đạt năng lực sản xuất đảm bảo khi cầu thế giới đang phục hồi thì Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu rất lớn. Nhất là khi hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam có tính bổ sung rất lớn cho các thị trường như: Mỹ, Liên minh châu Âu. Điều này sẽ hỗ trợ cho Việt Nam trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng.
Yếu tố thứ 2 là ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua rất tốt, điều này sẽ thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Thực tế thì 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký mới và số vốn của doanh nghiệp đăng ký mới đưa vào nền kinh tế cũng đạt kỷ lục từ trước đến nay, chứng tỏ niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với nền kinh tế vẫn rất mạnh, đây là “điểm tựa” khá tốt cho tăng trưởng. Cùng với đó, doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn tiếp tục mở rộng đầu tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn được duy trì, vốn FDI giải ngân vẫn tăng.
Điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo mới đây cũng cho thấy, có gần 80% doanh nghiệp lĩnh vực này đánh giá cơ hội kinh doanh quý III/2021 sẽ tốt hơn và ổn định quý II/2021. Và nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt thì giá bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cũng khá tích cực… Tất cả những chỉ dấu đó cho thấy, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội cải thiện mức tăng trưởng những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện được nếu như tình hình dịch bệnh trong nước sớm được khống chế. Còn nếu dịch bệnh không được khống chế thì các cơ hội này sẽ bị xóa nhòa, không thể tận dụng được và không thể chuyển hóa thành tăng trưởng kinh tế.
Tức là, mục tiêu tăng trưởng 6,5% có đạt được hay không vẫn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, thưa ông?
Đúng vậy, giai đoạn này dịch bệnh khống chế đến đâu thì dư địa tăng trưởng sẽ mở rộng đến đấy và ngược lại. Điều đó có nghĩa, dịch được khống chế ở khu vực nào thì sản xuất và tăng trưởng khu vực đó trở lại bình thường, nguồn thu trở lại bình thường. Điều này không thể có được trong nền kinh tế suy thoái và nó khác hẳn với kinh tế suy thoái, vì nếu do suy thoái thì dù cố gắng sản xuất mà không có cầu hỗ trợ thì không thể sản xuất được.
Đơn cử, dịch bệnh được khống chế ở Bắc Giang, Bắc Ninh vào cuối tháng 5/2021 thì lập tức sản xuất công nghiệp tại 2 địa phương này trở lại bình thường, nguồn thu lập tức trở lại, doanh nghiệp cũng trở lại sản xuất và thu nhập người dân ổn định trở lại. Qua đó cho thấy, khó khăn của nền kinh tế hiện nay không xuất phát từ năng lực sản xuất, từ cầu hàng hóa, dịch vụ mà xuất phát từ việc chúng ta có thể khống chế dịch bệnh để đưa lại nền kinh tế bình thường trở lại hay không.
Vì vậy theo tôi, vấn đề kiểm soát dịch bệnh hiện nay vẫn cần đặt lên hàng đầu, vì chỉ khi kiểm soát được dịch bệnh chúng ta mới có cơ hội đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, nếu dịch bệnh không được kiểm soát thì chắc chắn sẽ khó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2021.
Xin cảm ơn ông!